99% hạt điều của Campuchia được bán sang thị trường Việt Nam

Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam, 99% hạt điều thô của Campuchia bán sang thị trường Việt Nam, còn 1% là để tiêu dùng trong nước chứ không xuất khẩu đi thị trường khác.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 272 nghìn tấn hạt điều thô, với giá trị hơn 360 triệu USD, tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

-3539-1678850009.jpg

Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam.

Trong đó, Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam. Trong 2 tháng qua, giá trị nhập khẩu điều từ nước này ước đạt gần 130 triệu USD, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cả năm 2022, Việt Nam đã chiếm tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện nay đang diễn ra mùa vụ thu hoạch hạt điều tại Campuchia. Việc Campuchia bán điều sang Việt Nam đã diễn ra khoảng 4 - 5 năm nay, tất cả hạt điều của Campuchia đều bán cho người Việt Nam.

Cụ thể, Phó Chủ tịch VINACAS cho biết, 99% hạt điều thô của Campuchia là bán sang thị trường Việt Nam, còn 1% là họ để tiêu dùng trong nước chứ không xuất khẩu đi thị trường khác.

"Một lô hàng hạt điều, khi bán sang thị trường Việt Nam chỉ khoảng 1 - 2 ngày là họ có thể thu tiền, trong khi bán sang thị trường Ấn Độ thì phải tốn thêm chi phí container, chi phí cước tàu biển,…", ông Nhựt cho hay. Vì lợi nhuận cao, vận chuyển nhanh, thanh toán dễ dàng nên 99% điều thô từ thị trường Campuchia đang có xuất khẩu về Việt Nam và tạo nên mối quan hệ mua – bán giữa doanh nghiệp hai nước với nhau.

Theo ông Nhật, ở thời điểm này dù đơn hàng xuất khẩu ít nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng mua điều từ Campuchia. Vào mùa vụ thì doanh nghiệp phải mua vào, chứ không phải là do đơn hàng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam tăng nóng.

Trong bối cảnh chưa có đơn hàng điều nhân xuất khẩu, doanh nghiệp lại nhập khẩu điều thô về, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự “ngâm tiền” và đối diện với nhiều khó khăn trong tài chính. “Riêng về số liệu nhập khẩu điều từ Campuchia cần tính theo cả năm, khi đó, chúng ta mới có thể kết luận việc nhập khẩu là nhiều hay ít”, đại diện VINACAS chỉ ra rủi ro. 

Thy Lê 

Lượt xem: 5
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan