Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc có thể gặp khó vì chính sách zero-COVID

Năm 2022, dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt Trung Quốc. Tuy vậy, vẫn có lo ngại xuất khẩu gặp khó khăn do Trung Quốc thực hiện chính sách zero-COVID.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 192,72 nghìn tấn cao su, trị giá 331,12 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 12/2021; tăng 1,7% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với tháng 1/2021. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2022 ở mức 1.718 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 12/2021 và tăng 6,8% so với tháng 1/2021.

xuat-khau-cao-su-3-7478-1646107240.jpg

Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

Tháng 1/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 143,24 nghìn tấn, trị giá 243,81 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 24,4% về trị giá so với tháng 12/2021; tăng 0,9% về lượng và tăng 10,1% về trị giá so với tháng 1/2021.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2022 ở mức 1.702 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 12/2021 và tăng 9,1% so với tháng 1/2021.

Năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam với lượng ước đạt 1,4 triệu tấn, chiếm 71,4% và giá trị ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và 24,8% về giá trị so với năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Trong đó, chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, Trung Quốc vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.

Tuy nhiên, VRA lo ngại tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang tiếp tục chủ yếu do chính sách zero-COVID của Trung Quốc. Đã có nhiều mặt hàng nông sản như rau củ và trái cây, điển hình là thanh long bị ảnh hưởng do không thể vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, cao su tự nhiên phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Tuy nhiên, các yếu tố về vận chuyển hàng hải sẽ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam trong năm 2021.

VRA dẫn chứng năm 2021, Trung Quốc đã từng đóng cửa một nhà ga chính tại cảng Ninh Ba-Chu San, cảng nhộn nhịp thứ ba thế giới, sau khi một công nhân tại đây mắc COVID-19. Đây là lần thứ hai nước này dừng hoạt động tại một trong những cảng quan trọng nhất.

"Ngay cả sau khi Thế vận hội Mùa Đông 2022 kết thúc, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ. Điều đó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm cao su, góp phần tác động đến nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng", VRA đánh giá.

Thy Lê 

Lượt xem: 275
Tin liên quan