Bất động sản ven đô Hà Nội đang 'nóng' lên từng ngày

Các dự án chung cư tại năm huyện sắp lên quận như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Trì dự kiến chiếm 27% nguồn cung. Trong khi đó, với quỹ đất lớn, năm huyện này được dự báo cũng sẽ trở thành điểm nóng phát triển đất nền của Hà Nội trong năm nay.

Theo khảo sát của phóng viên VnBusiness, giá đất nền 5 huyện vùng ven ngoại thành kể trên đều tăng từ 10-30% so với đầu năm 2021. Đơn cử, giá đất nền tại huyện Đông Anh trước thông tin lên quận và thông quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng... được đẩy lên khá cao. Giá trung bình từ 40-70 triệu đồng/m2, với những vị trí đẹp, thậm chí giá lên tới 80-150 triệu đồng/m2.

Cả đất nền và căn hộ đều tăng

Cụ thể, một mảnh đất chính chủ đứng tên sổ đỏ bán liền kề khu đô thị mới Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh được quảng cáo đã có sẵn nhà 5 tầng xây biệt lập diện tích 85m2, diện tích sàn xây dựng 268,8m2, sát trường Archimede Tiên Dương, gần Công viên Kim Quy (500m), Vinhome Cổ Loa, đường Võ Nguyên Giáp. Khu đô thị thuộc tâm lõi của Đông Anh khi được lên thành "phố" được rao bán lên đến 9,6 tỷ đồng.

BDS1-2216-1645679868.jpg

Dù hạ tầng vẫn còn ngổn ngang nhưng giá đất ở khu dịch vụ 25,2ha Vân Canh, Hoài Đức vẫn được môi giới chào bán với giá tăng 10-30% so với thời điểm cuối năm 2021.

Hay như mảnh đất 70m2 ở Tân Lập, Đan Phượng được quảng cáo cách khu đô thị Vinhome Đan Phượng 100m được rao bán với giá lên tới 35 triệu/m2. Trong khi hồi cuối năm ngoái, giá đất ở đây được rao chưa tới 30 triệu/m2.

Trao đổi với môi giới tên Nguyễn Văn Thành, một người trước đây chuyên môi giới bất động sản khu vực quận Cầu Giấy, nay chuyển sang môi giới đất ven ngoại thành, anh này nói rằng, nếu so sánh giá đất nền ở các huyện, nhất là Đông Anh so với cách đây một năm, đất nền trong ngõ đã tăng từ 10 - 20% , còn với những “mảnh” mặt đường lớn, ô tô đi lại, giá đã tăng đến 30 - 40%, thậm chí có những mảnh đẹp giá bị thổi lên tới 50% so với năm ngoái.

“Hiện nay tôi đang “ôm” vài mảnh đất liền kề khu đô thị Tasco Xuân Phương, diện tích mỗi mảnh khoảng gần 100 m2. Khách gọi hỏi nhiều nhưng lượng giao dịch thực tế không nhiều”, anh Thành nói.

Còn tại huyện Mê Linh, theo tìm hiểu hiện có khoảng 50 dự án tập trung tại các xã ven đại lộ Võ Văn Kiệt như xã: Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh… Giống như Đông Anh, hiện nay, giá bất động sản ở những địa phương này cũng đã tăng trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung căn hộ tại 5 quận, huyện trên cũng đang có dấu hiệu tăng nhiệt khi nhu cầu tăng trong khi lượng cung lại sụt giảm.

Báo cáo của Savills cho thấy, quý IV/2021 thị trường Hà Nội đón nhận khoảng 7.900 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 2 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các huyện Từ Liêm, Gia Lâm và quận Hoàng Mai với triển vọng chiếm 81% thị phần trong khi quỹ đất mới ở vùng nội đô đang trở nên hạn chế. Báo cáo thị trường căn hộ quý IV/2021 của Cushman & Wakefield cũng cho thấy, cả thị trường Hà Nội chỉ có gần 3.600 căn hộ mới được chào bán, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử, căn hộ chung cư The Terra An Hưng, năm ngoái giá 22-25 triệu/m2, thì nay mức giá nhà được sang nhượng khoảng 27 triệu – 30 triệu mỗi m2. Căn hộ 2 phòng ngủ trước đây được rao bán 1,7 tỷ đồng hiện đã tăng giá trên dưới 2 tỷ đồng. Căn hộ 3 phòng ngủ trước đây giá khoảng 2,1 – 2,2 tỷ đồng cũng tăng lên khoảng 2,5 – 2,8 tỷ đồng (tùy tầng, hướng căn hộ).

Thực tế, việc tăng giá căn hộ đang gây áp lực rất lớn đến khả năng tiếp cận của đại đa số tầng lớp người dân. Đặc biệt là những người có mức thu nhập trung bình, thấp. Trong khi đó, thị trường đang đầy rẫy những căn nhà có giá vài chục tỷ đồng để không.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quy hoạch 5 huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025 đã tạo tiền đề để các huyện này phát triển khu dân cư trọng điểm nhờ quỹ đất lớn. Theo đó, giá bất động sản khu vực này sẽ có xu hướng tăng, dự báo từ Savills chỉ ra rằng, từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung.

Đất nền vẫn là lựa chọn hàng đầu

Không phải ngẫu nhiên mà giá đất ở khu vực ven đô Hà Nội lại tăng giá chóng mặt như trên, ngoài nhu cầu thực của người dân thì việc quy hoạch chung, nhất là khu vực Đông Anh là một lý do để giới bất động sản “đẩy” giá lên.

BDS2-1458-1645679868.jpg

Đất nền khu vực Hoài Đức được người dân xây ranh giới, phân lô để bán.

Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, trong 5 huyện kể trên, huyện Đông Anh có vai trò, vị trí quan trọng trong quy hoạch phát triển tương lai của Thủ đô. Cụ thể, thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng một đô thị với trọng tâm là giao lưu kinh tế quốc tế, thương mại, dịch vụ, thể thao ở phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; song song với thành phố phía Tây với các trọng tâm phát triển về công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, văn hóa. Nhưng trước mắt, Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm lên thành quận trong nhiệm kỳ này; trong đó, Đông Anh phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm 2023, chậm nhất là năm 2024.

Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, thị trường đất nền vùng ven Hà Nội đang thiết lập một mặt bằng giá mới, đây là phân khúc được dự báo có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm 2022.

Nhận định về tình hình mua bán đất nền trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong 2 quý đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu. Sở dĩ đất nền vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh.

Thậm chí, sức nóng còn đang lan tỏa ra cả các tỉnh giáp Hà Nội như Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, giá đất cũng đang leo thang không ngừng. Ông Nguyễn Văn Đính ví dụ, chỉ riêng Hòa Bình, một năm trở lại đây, giá đất tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đã tăng tới 3 lần. Các khu vực lân cận cũng ghi nhận tình trạng gia tăng đáng kể.

Tính trong phạm vi cách Hà Nội 50 km, giá rao bán đất nền miền Bắc đều ghi nhận tăng mạnh như Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100 km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%.

“Tôi cho rằng, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt, tuy nhiên nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro”, ông Nguyễn Văn Đính khuyên.

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến hết quý II/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản ở khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và các chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Trà My

Lượt xem: 245
Tác giả: admin1
Tin liên quan