F0 bất động sản gia tăng: Cẩn thận 'chơi dao đứt tay'

Sau thời gian lừng khừng trước các thông tin về quản lý, “siết” luật để ngăn bong bóng, nhiều nhà đầu tư bất động sản, nhất là các nhà đầu tư mới (F0) đang ồ ạt quay trở lại thị trường để đón đầu những đợt sóng tăng giá trong năm 2022. Bên cạnh những nhà đầu tư lâu dài, không ít người mới đang ôm mộng “lướt sóng”.

Cuối năm 2021, trước các thông tin về siết đầu cơ, kiểm soát chặt thị trường để bình ổn lại giá nhà, đất, anh Tạ Quang Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ bán 2 lô đất đã mua trước đó để chốt lời, tránh “đêm dài lắm mộng”, song cho tới nay anh vẫn chưa thực hiện ý định của mình.

Một vốn bốn lời?

Anh Linh chia sẻ, 2 lô đất hiện tại của anh đều nằm gần khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), được mua từ cuối tháng 3/2021, khi các đợt sốt đất đang bùng lên khắp trong Nam, ngoài Bắc. Một lô rộng hơn 80m2, một lô rộng 120m2. Giá đã tăng gấp 3, vì vậy nếu thị trường bị siết, việc bán chốt lời là phù hợp.

“Sở dĩ tôi có ý định ngay sau Tết sẽ bán vì nghe được nhiều thông tin về kiểm soát sốt đất, giá sẽ khó tăng tiếp, nhưng qua theo dõi thì vẫn tăng. Như lô 120m2 của tôi hiện có giá hơn 3 tỷ, tăng khoảng 15% so với trước Tết. Điều này khiến tôi lừng khừng và đến giờ chưa muốn bán”, anh Linh cho hay.

Không chỉ bỏ ngang ý định bán các lô đất cũ, anh Linh còn đang cùng một số người bạn khảo sát giá đất tại Thạch Thất và Hoài Đức để tính toán mua thêm. Giá đất ở hai khu vực này đang ở mức bình quân 15 – 25 triệu đồng/m2 với đất nền phân lô, 10 - 12 triệu đồng/m2 với đất trồng cây lâu năm.

nha-dau-tu-bat-dong-san-7621-1646032984.

Các nhà đầu tư mới vẫn đổ mạnh vào bất động sản, góp phần gia tăng sức nóng cho thị trường.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Hoàng Thành Nam, một môi giới bất động sản ở khu vực Hoài Đức, Hà Nội cho biết trong khoảng nửa tháng nay, số lượng nhà đầu tư xin tư vấn tăng rất mạnh, trong đó 70% là người mới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư giờ “quái” hơn, môi giới chỉ là một kênh tham khảo.

Theo anh Nam, nhóm nhà đầu tư mới hiện tại chủ yếu là những người trẻ, không có số vốn quá lớn nhưng chịu khó tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin nhanh, đặc biệt là qua các kênh internet. Các F0 trẻ đặc biệt chú ý tới nhà đất khu vực vùng ven, thích “lướt sóng” hơn là lâu dài.

“Các nhà đầu tư mới chủ yếu đổ tiền vào đất nền, đất phân lô. Chúng tôi vừa tư vấn cho một nhà đầu tư mới vốn là một chủ cơ sở chế biến nông sản ở Bắc Giang, vì thấy buôn đất “ăn tiền” nên sang nhượng lại công ty với giá gần 10 tỷ đồng để đi đầu tư. Thực tế thì tình trạng này không hiếm trong hơn 1 năm qua”, anh Nam kể.

Kết quả các cuộc thăm dò của nhiều cơ quan nghiên cứu cũng cho thấy số lượng các F0 đổ bộ vào thị trường địa ốc đang liên tục gia tăng trong thời gian qua. Dòng vốn đổ vào bất động sản đa phần đến từ thặng dư của các khoản đầu tư chứng khoán, vàng, sản xuất kinh doanh.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư F0 thường tập trung vào bất động sản tỉnh, vùng ven, với tầm giá không quá cao. Các quyết định của F0 thường dựa vào kinh nghiệm của các nhà đầu tư lâu năm, dễ bị cuốn vào các khu vực có sốt đất. Ước tính có hơn 70% F0 chọn lướt sóng theo quy hoạch, thông tin hạ tầng.

Cẩn trọng “đón sóng” quy hoạch

Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2022 lực lượng F0 đổ tiền vào thị trường địa ốc vẫn sẽ tăng mạnh. Lý do, tâm lý thị trường đã ổn định, nhiều nhà đầu tư có dòng vốn khá tích lũy được từ các kênh khác sẽ tìm về bất động sản.

Cũng theo nhiều chuyên gia, sở dĩ các F0 vẫn chọn đổ tiền vào địa ốc bất chấp các thông tin về “bong bóng” là bởi tiềm năng của thị trường bất động sản với biên độ tăng là rất rõ, và ít nhất kéo dài trong 3 năm tới, trước khi cung cầu được ổn định giúp áp lực về giá cả giảm xuống.

Và thực tế, nếu bỏ qua một năm 2021 đầy “điên rồ” của thị trường, thì kể từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nhà đầu tư F0 cũng đang hưởng lợi bởi những đợt sóng tăng giá. Rất khó để phủ nhận sự đổ bộ ồ ạt của F0 là một phần nguyên nhân khiến sốt đất cục bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi thời gian qua.

Có một thay đổi rõ ràng trong tư duy đầu tư của các F0 hiện tại là phân phối dòng tiền thông minh hơn. Cụ thể, đa phần nhà đầu tư không còn “chơi tất tay”, đổ hết tiền vào nhà đất nữa mà chủ động dành một phần vốn để thử, sau đó thấy có triển vọng thì mới tăng tiền đầu tư.

Rõ ràng, bất động sản vẫn là kênh lưu trú an toàn của dòng tiền, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo là “cuộc chơi” đầy rủi ro với những người mang tâm thế muốn "đánh nhanh thắng nhanh", đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang có nhiều bất ổn .

Vì vậy, để tránh “chơi dao đứt tay”, các nhà đầu tư F0 cần tường tận về dòng tiền của mình, tham khảo những người có kinh nghiệm để có lược đồ rủi ro và thanh khoản. Việc có một khoản tiền dự trữ phù hợp rất quan trọng, phòng khi không thể tìm ra người mua lại bất động sản.

Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư mới cần thận trọng khi “đón sóng” quy hoạch. Năm 2022 sẽ là năm của đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực, vì vậy giá ở nhiều vùng quy hoạch sẽ có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ đang là ý tưởng, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hoặc nhiều dự án chỉ là tin đồn. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới hoặc những người muốn bán sẽ tung tin nóng, đẩy giá bán lên cao, gây sốt ảo. Vì vậy, các nhà đầu tư F0, đặc biệt là những tay ngang cần cẩn trọng.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư mới cần đặc biệt lưu tâm đến việc học hỏi từ những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, kết hợp với việc quan sát thị trường. Tuy nhiên, F0 cũng cần xác định dựa vào bản thân là chính, từ đó học cách đánh giá bất động sản, tìm ra cơ hội mà người khác thường không nhận ra.

Nhật Minh

Lượt xem: 302
Tác giả: Nhật Minh
Tin liên quan