Thị trường IB Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng khó “đánh thức”

Theo chia sẻ từ ông Trần Nhật Huy - Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), thị trường IB của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng để đánh thức sức mạnh bên trong nó là cả một câu chuyện dài.

* Investment Banking (Ngân hàng đầu tư, IB hay I-banking) là một định chế đóng vai trò trung gian tài chính để thực hiện các dịch vụ liên quan. Đơn vị thực hiện IB sẽ đứng giữa các công ty, doanh nghiệp, chính phủ hay tổ chức phát hành chứng khoán… và nhà đầu tư để tư vấn, hỗ trợ cho các thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập), IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), tái cơ cấu, thu xếp vốn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nhật Huy, Giám đốc Khối IB của SSV - cũng là một trong nhưng đơn vị mạnh nhất về nghiệp vụ IB tại Việt Nam - đã có những nhận định đắt giá về ưu, nhược điểm đang tồn tại, cũng như tiềm năng mà thị trường này có thể mang lại trong tương lai.

Tiềm năng lớn

* Ông nhận định gì về tiềm năng của thị trường IB tại Việt Nam?

Ông Trần Nhật Huy: Thị trường IB Việt Nam rất đúng ở 2 từ “tiềm năng”. Tức là tiềm năng rất lớn, nhưng việc có thể đánh thức nó để trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ hay không luôn là dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời. Gần nhất, thị trường này chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp từ cuối năm 2022 - nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023 đến nay, thị trường IB bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Đầu tiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phục hồi và được lành mạnh hóa. Thứ hai, thị trường M&A sau quãng thời gian tạm chững lại từ sau dịch COVID-19 thì từ đầu năm 2024 đến nay bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tốt. Đã xuất hiện các giao dịch M&A lớn với trị giá từ vài chục triệu USD đến vài trăm triệu USD, như thương vụ Capital Land (Singapore) mua lại 19 ha tại thành phố mới Bình Dương từ Becamex (BCM) với giá trị trên 5,000 tỷ đồng…

Bên cạnh đó là việc Chính phủ cam kết thực hiện đúng lộ trình kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, từ đây cung cấp những hàng hóa (cổ phiếu) tốt và chất lượng cho thị trường.

* Câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn luôn nóng trong những năm qua. Theo ông, mảng IB của các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi như thế nào trong trường hợp thị trường được nâng hạng?

- Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ có tác động tức thì là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và rót thêm hàng chục tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Việc này tác động rất tích cực đến thị trường IB, đặc biệt là nhu cầu tìm kiếm những hàng hóa tốt và chất lượng (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, các thương vụ M&A…) để có thể hấp thụ hết những nguồn vốn đầu tư mới này.

Việc này đương nhiên cũng sẽ rất có lợi cho hoạt động của các công ty chứng khoán, đặc biệt là những bên có nguồn gốc nước ngoài và có hệ thống trên toàn cầu như SSV. Điểm mạnh của nhóm này là có mạng lưới rộng, nguồn lực tài chính mạnh, hệ thống đối tác và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên khắp thế giới… Vì vậy, các công ty chứng khoán này sẽ có rất nhiều lợi thế trong việc kết nối nhu cầu đầu tư từ nước ngoài với nhu cầu hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp, đối tác Việt Nam.

Như vậy, các công ty chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong mảng IB, từ việc tận dụng các lợi thế này.

M&A và IPO sẽ dần khởi sắc

* Về thị trường M&A, ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới? SSV đang có những chiến lược nào để tận dụng cơ hội từ thị trường này?

- Thị trường M&A Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng lớn và chững lại trong khoảng thời gian từ khi phát sinh dịch COVID-19 (từ năm 2021 đến hết năm 2023), với nhiều nguyên nhân đằng sau. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường đã có những tín hiệu phục hồi tốt.

Với mảng M&A tại Việt Nam, cần phải nói đến các thương vụ M&A bất động sản. Nhóm doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn về hoạt động và dòng tiền, nhu cầu tái cấu trúc danh mục dự án và chuyển nhượng một phần những dự án đang sở hữu để tạo dòng tiền hoạt động trước mắt là tương đối lớn. Các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài có tiềm lực của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đều đang tích cực tìm kiếm và mua lại những dự án có đầy đủ pháp lý từ các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều thương vụ đã, đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Một mảng hoạt động M&A khác cũng được đánh giá tương đối tiềm năng trong thời gian tới, đó là việc chuyển nhượng và bán cổ phần của các dự án năng lượng (bao gồm thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời). Đây là lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đặc biệt khi đầu tư tại Việt Nam.

SSV, với điểm khác biệt cốt lõi là có nguồn gốc nước ngoài và hệ thống trên toàn cầu, sở hữu nhiều lợi thế trong cơn sóng này, từ việc kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với nhu cầu hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp, đối tác Việt Nam. Một điểm khác biệt căn bản nữa là hệ sinh thái One Shinhan, gồm ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, công nghệ… Hệ sinh thái này cho phép SSV có điều kiện kết nối doanh nghiệp để tạo ra các thương vụ M&A, tức là cơ hội gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong mảng này.

* Còn hoạt động IPO thì sao, thưa ông?

- Dự kiến, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, sẽ rất cần những hàng hóa có chất lượng tốt. Vì vậy, hoạt động niêm yết, IPO sẽ có khả năng sôi động trở lại. Tuy nhiên, mức độ sôi động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong thời gian tới có được thực hiện theo đúng lộ trình đã được dự kiến hay không.

Mảng tư vấn niêm yết, phát hành có vai trò rất quan trọng với không chỉ hoạt động IB, mà còn cả hoạt động chung của các công ty chứng khoán. Thông qua nghiệp vụ này, các công ty như SSV có thể mở rộng cả tệp khách hàng bán lẻ (môi giới) và tệp khách hàng bán buôn (IB), thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới mở tài khoản giao dịch chứng khoán, duy trì tối đa lượng tài khoản active và giao dịch trên nền tảng của mình... Từ đây, có thể mở rộng được quy mô cho vay margin, hoạt động môi giới và hoạt động IB.

Doanh nghiệp cần chú trọng vào ESG và làm IR thật bài bản

* Xu hướng ESG đang tác động tới thị trường IB như thế nào? Từ kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ hướng tiếp cận ESG của các doanh nghiệp, cần những gì để thu hút nguồn vốn đầu tư?

- ESG hiện nay đã trở thành một trong những tiêu chí đầu tư kiên quyết của các nhà đầu tư khi đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp. Xu hướng ESG sẽ mang đến những tác động tích cực và lành mạnh cho thị trường IB, vì nhà đầu tư và thị trường có thể lựa chọn được những doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh, đáp ứng các tiêu chí đầu tư của mình.

Điều này cũng có nghĩa là chỉ những doanh nghiệp tốt, hàng hóa thật sự chất lượng cho thị trường chứng khoán mới được các nhà đầu tư để tâm, giao dịch.

Trước xu hướng này, các doanh nghiệp cần phải xây dựng một lộ trình phát triển bền vững và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí E (Environment), S (Social), G (Governance) thuộc bộ tiêu chuẩn ESG. Để đáp ứng được tất cả, doanh nghiệp nên phối hợp với những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để xây dựng, hoàn thiện và duy trì các tiêu chí này một cách liên tục.

Thực tế, các giá trị từ bộ tiêu chí ESG đều đang được phản ứng một cách trung thực vào kết quả hoạt động, hình ảnh doanh nghiệp, giá trị thực tế, cũng như giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

* Hoạt động IR của doanh nghiệp đóng góp thế nào tới kết quả thu được từ các thương vụ IPO, niêm yết, chào bán cổ phiếu…?

- Các doanh nghiệp đã hoặc có kế hoạch niêm yết đang rất nghiêm túc trong việc đầu tư nguồn lực phát triển hoạt động IR của doanh nghiệp. Gần như mỗi doanh nghiệp đều có riêng một bộ phận IR chuyên nghiệp để duy trì quan hệ với cổ đông và nhà đầu tư.

Thông qua đội ngũ IR, doanh nghiệp đã xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp, truyền đạt được đến cổ đông và nhà đầu tư những giá trị cốt lõi, sự khác biệt làm lên uy tín của doanh nghiệp… Tất cả những điều này đóng góp rất lớn vào sự thành công của các thương vụ IPO, niêm yết hay chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời gian qua.

* Xin ông cho biết, SSV sẽ ở đâu trong 5 năm tới trên thị trường IB Việt Nam?

- SSV tự tin mình là số 1 trong mảng hoạt động IB của các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam (gồm 8 công ty).

IB hiện là 1 trong 2 trụ cột chính trong hoạt động kinh doanh của SSV. Chúng tôi luôn đảm nhận vai trò là nhà tư vấn và thu xếp chính cho các thương vụ, khẳng định được uy tín, chất lượng và vai trò đầu mối của mình đối với các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư cùng tham gia. Danh mục khách hàng IB của SSV là những doanh nghiệp nằm trong top 5 của mỗi lĩnh vực kinh doanh.

Về chiến lược, SSV tập trung vào những sản phẩm đặc thù mà không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể cung cấp. Những sản phẩm này được xây dựng và cấu trúc dựa trên nhu cầu và thực tế hoạt động của mỗi doanh nghiệp, được “may đo” phù hợp với từng đặc tính của doanh nghiệp. Mặt khác, với ưu thế là công ty chứng khoán nước ngoài, SSV đang tập trung cung cấp dịch vụ IB cho những doanh nghiệp FDI lớn của Hàn Quốc trong số 10,000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

*Trân trọng cảm ơn ông.

Lượt xem: 4
Tác giả: Châu An
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật