Sự chuyển mình của VN-Index

Việc chính thức vượt mốc 1.400 điểm mang tới dự báo tích cực hơn cho thị trường chứng khoán. Sự chuyển mình của VN-Index được nhận định có thể mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Sau "cú sập" của thị trường chứng khoán (TTCK) hồi đầu tháng 4, VN-Index đã phục hồi tích cực hình chữ V. Chốt phiên 8/7, VN-Index tăng lên mức 1.415 điểm. Nếu xét từ đáy thị trường sau biến động thuế quan ngày 9/4 đến nay, nhiều cổ phiếu có mức tăng 30 - 50%.

Viễn cảnh VN-Index “bay” cao hơn

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm sau hơn 3 năm, khi tăng 15,09 điểm và đóng cửa tại 1.402,06 điểm. Chỉ số VN30 cũng có bước nhảy ấn tượng với gần 20 điểm, lên 1.508,66 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa ở 235,9 điểm, tăng 3,39 điểm.

Thanh khoản trên thị trường tăng đột biến, đạt hơn 30.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt gần 27.900 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với phiên trước đó.

-4491-1751967842.jpg

Việc chính thức vượt đỉnh 1.400 điểm mang tới dự báo tích cực hơn cho VN-Index.

Việc VN-Index vượt 1.400 điểm vào phiên 7/7 cho thấy sức đề kháng và bản lĩnh mới của TTCK Việt Nam trước những biến động toàn cầu. Đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường, thể hiện sự lạc quan của các nhà đầu tư.

Đêm 2/7, TTCK Việt và cộng đồng đầu tư xôn xao trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố khung thuế quan đối ứng với Việt Nam. Mặc dù mức thuế cao hơn kỳ vọng, nhưng kịch bản xấu nhất đã không xảy ra. Ngược lại, thanh khoản thị trường sau đó tăng mạnh, đẩy VN-Index chính thức vượt đỉnh 1.400 điểm.

Trên các hội nhóm đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu có suy nghĩ về viễn cảnh chỉ số chính vượt 1.500 điểm.

Theo ông Trần Long Huân, Giám đốc cấp cao khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt, thời điểm xấu nhất qua rồi, nhà đầu tư đã thích ứng và đã có lựa chọn trong việc phản ứng với chính sách thuế quan. “Thị trường sẽ tiếp tục tăng và tôi kỳ vọng mốc 1.460 điểm vào tháng 10”, ông Huân nói.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng khung thuế quan mới dù có tác động nhưng không đến mức tiêu cực, thậm chí còn thấp hơn so với một số lo ngại ban đầu. Tâm lý này đã góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trên TTCK.

Về phía thị trường, dòng tiền nội địa tiếp tục là động lực then chốt giúp "giữ nhiệt" cho VN-Index. Tuy nhiên, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng là một tín hiệu tích cực, tiếp thêm đà tăng cho chỉ số.

Tính từ đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng gần 6.300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với tuần cuối tháng 6. Đáng chú ý, trong 2 phiên 3/7 và 4/7, khối này mua ròng đột biến hơn 3.800 tỷ đồng trên sàn HoSE.

“Tôi đánh giá cao việc khối ngoại trở lại mua ròng nhưng nội tại của thị trường vẫn còn rất lớn và đó mới là điểm quan trọng để giúp TTCK Việt bứt phá”, ông Nguyễn Cảnh Lâm, chuyên gia quản lý tài sản Chứng khoán VNDIRECT nhận xét.

Cơ hội giải ngân ở nhịp điều chỉnh lành mạnh

Ngoài 2 vấn đề là diễn biến tích cực của TTCK và cơ hội nâng hạng, thị trường kỳ vọng VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm nhờ các yếu tố như: Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân; giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; tăng trưởng tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt 16%, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp; Nghị quyết 42 sẽ tạo lập khung pháp lý thống nhất trong xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh hơn hệ thống tài chính; nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 2.200 dự án bất động sản đình trệ; mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công và mô hình hợp tác công - tư (PPP).

Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm tài chính 2025 đạt 15,1%, MSVN giữ nguyên mục tiêu VN-Index ở mức 1.500 điểm, tương ứng với định giá P/E đạt 12,5 lần, gần bằng mức trung bình 5 năm đã điều chỉnh.

Theo giới phân tích, sự chuyển mình của VN-Index có thể mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong thời gian tới. Trong quá trình đi lên, nhiều ý kiến dự đoán nhịp giảm có thể xuất hiện, song nhịp điều chỉnh giảm chính là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào.

“Đồ thị VN-Index hình thành mô hình "cốc tay cầm" (thuận) cho thấy xu hướng tăng của thị trường bền vững và có khả năng tiếp tục nối dài. Tuy nhiên, các chỉ báo động lượng RSI, MFI đã đi vào vùng quá mua cho thấy tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh. Nhịp điều chỉnh lành mạnh (nếu có) là cơ hội phù hợp để giải ngân”, Chứng khoán TPBank (TPS) nhấn mạnh.

Tương tự, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng nhịp điều chỉnh có thể xuất hiện và VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ mới 1.388 – 1.393 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, cho nên xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn với mức kháng cự kế tiếp là 1.415 điểm.

“Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới”, YSVN khuyến nghị.

Về nhóm cổ phiếu thích hợp đầu tư, trong bối cảnh hiện tại, MSVN tiếp tục ưu tiên các nhóm cổ phiếu có chính sách chi trả cổ tức và thuộc các lĩnh vực được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng như công nghệ thông tin, logistics, hàng không. Đồng thời, các ngành được hỗ trợ trực tiếp từ các gói kích thích kinh tế trong nước như bất động sản, tiêu dùng và thép cũng nằm trong danh mục tập trung.

Những nhóm cổ phiếu này được MSVN đưa vào chiến lược đầu tư nhờ triển vọng tăng trưởng ổn định trong bối cảnh dòng vốn có xu hướng dịch chuyển theo hướng phòng thủ và ưu tiên hiệu quả sử dụng vốn.

Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các nhóm ngành và cổ phiếu sẽ ngày càng rõ nét, đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chọn lọc cẩn trọng, cần sẵn sàng cơ cấu danh mục khi thị trường tăng mạnh, giữ kỷ luật trong quản trị rủi ro, tránh mua đuổi ở vùng giá cao. Giải ngân từng phần và theo dõi nhịp điều chỉnh sẽ giúp tối ưu hóa điểm mua.

Hải Giang

Lượt xem: 3
Tác giả: Hải Giang
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết