Liên tiếp tín hiệu vui, 'cơn khát' nhà giá rẻ sắp được giải?

Gần một tháng qua, tại khu vực tiếp nhận hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngày nào cũng có hàng dài người xếp hàng từ 2h sáng. Sau 3 ngày mất ăn mất ngủ, anh Trung - người nộp thành công hồ sơ hôm 23/4, chia sẻ: “khó, nhưng có còn hơn không (!)”.

“Tôi quê Thanh Hóa, đã có hộ khẩu Hà Nội, mất nhiều thời gian xin xác nhận thực trạng nhà ở, thu nhập, bảo hiểm… đến nay mới hoàn thiện hồ sơ. Nghe nói đã có hàng nghìn người nộp trước, trong khi chỉ có 200 căn. Không biết có tới lượt mình không?”, anh Trung bộc bạch.

Những tín hiệu tích cực

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn chính thức tiếp nhận hồ sơ từ cuối tháng 3/2023, với mức giá mở bán kỷ lục xấp xỉ 20 triệu đồng/m2, từng bị “chê” cao chưa từng có, nhưng vẫn xuất hiện hàng dài chờ đợi chỉ để… nộp hồ sơ, cho thấy "cơn khát" nhà ở bình dân rõ ràng đang lên mức đỉnh điểm.

Giữa bối cảnh đó, thời gian qua, hàng loạt tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường nhà ở bình dân, từ các chính sách vĩ mô đến sự tham gia của doanh nghiệp, đang khiến hàng trăm nghìn người khấp khởi chờ đợi.

-6868-1682327814.jpg

Người mua nhà vẫn đang chờ đợi nhà ở bình dân "tái xuất" nhiều hơn trên thị trường.

Trong báo cáo quý I/2023, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn đối với sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai tại 5 dự án, trong đó 7.199 căn nhà chung cư và 554 căn nhà thấp tầng.

Đáng chú ý, phân khúc nhà ở trung cấp giá 20-40 triệu đồng/m2 có 1.515 căn, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi TP.HCM không có nguồn cung nào ở mức giá này.

Cần nhấn mạnh, sở dĩ đánh giá đây là tín hiệu vui là bởi trong suốt hai năm 2021-2022, phân khúc căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 hoàn toàn biến mất, trong khi các căn hộ có mức giá 25-40 triệu đồng/m2 cũng cũng gần như “bốc hơi” khỏi giỏ hàng.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Savills Việt Nam cũng cho thấy nguồn cung sơ cấp mới đạt 6.820 căn, giảm 15% so với quý trước nhưng tăng 68% theo năm. Đáng chú ý, nguồn cung mới đạt 1.610 căn, 100% thuộc phân khúc hạng C (nhà giá rẻ).

Trong khi đó, thống kê của chuyên trang batdongsan.com đã điểm tên một số dự án có giá bán vừa phải trong 3 tháng đầu năm, điển hình như dự án nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House giá 25-28 triệu đồng/m2, dự án 9X An Sương giá 30-36 triệu đồng/m2...

Không chỉ hiện diện trên những con số, những diễn biến từ thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp địa ốc, trong quá trình tái cơ cấu, cũng đang hướng dòng tiền sang phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.

Nguồn cung nhà giá mềm tăng nhanh?

Tại phiên họp thường niên của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cuối tuần trước, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang, chia sẻ ưu tiên của công ty trong năm nay là "xuyên thủng" thị trường với dòng sản phẩm bất động sản vừa túi tiền.

Cụ thể, Nam Long sẽ tập trung phát triển các dự án có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, xây dựng chính sách hỗ trợ người mua nhà. Thời gian tới, công ty sẽ tham gia thị trường nhà ở xã hội và cam kết đóng góp hơn 20.000 căn.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm… cũng có động thái “nắn” lại dòng vốn vào phân khúc nhà vừa túi tiền, trong đó có nhà ở xã hội.

Điển hình, Vinhomes trong báo cáo thường niên mới công bố nhấn mạnh nhà ở xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Trong tháng 7/2022, Vinhomes đã động thổ 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố đầu tư khoảng 100.000 căn nhà ở xã hội với giá từ 20 triệu đồng/m2. Hay như Tập đoàn Thắng Lợi cũng gia nhập cuộc đua làm nhà ở giá rẻ, khi dự kiến tung ra thị trường khoảng 10.000 căn, với giá bình quân trên dưới 1 tỷ đồng.

Có thể thấy, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân đang ở trong thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu có thêm các chính sách hỗ trợ tốt, khả năng tăng nguồn cung từ đó giải “cơn khát” nhà đang ở mức đỉnh điểm của người dân là hoàn toàn khả thi.

Tuần trước, trong cuộc họp cổ đông thường niên, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân - công ty được mệnh danh là “ông trùm" nhà ở xã hội phía Nam, cũng nhận định các chính sách tốt đang mang lại cho phân khúc này thời cơ "10 năm có một".

“Thời gian qua, có người muốn rót đến 1.000 tỷ vào Hoàng Quân để làm nhà ở xã hội, có người muốn rót 200 tỷ… Tôi tin rằng với sự ủng hộ này, cùng những chính sách mới thì nhà ở xã hội sẽ phát triển”, ông Quân tiết lộ.

Những động thái quyết liệt của Chính phủ, cùng quyết tâm của các doanh nghiệp đầu ngành, rõ ràng đem lại nhiều hy vọng hơn cho người mua nhà.

Tuy nhiên, những bài học trong quá khứ vẫn còn nguyên vẹn. 10 năm trước, khi bất động sản rơi vào khủng hoảng, nhà ở xã hội cũng được thổi bùng lên như một cứu cánh để vực dậy thị trường. Nhưng đến nay, kết quả thì ai cũng thấy rõ.

Vì vậy, để kịch bản cũ không lặp lại, theo chuyên gia, vẫn cần nhanh chóng “cởi trói” những quy định về thủ tục đầu tư, quỹ đất, lãi suất… nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt là để nhà giá rẻ thực sự... rẻ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành khẳng định câu chuyện của nhà ở xã hội là cần “gỡ vướng”. Vướng ở đây trước hết là luật và pháp lý, sau là vốn và quỹ đất. Chỉ khi các vấn đề này được tháo gỡ, doanh nghiệp mới có nhiều động lực để làm.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 6
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan