Cần khơi thông thị trường cho doanh nghiệp sản xuất

Việc quay trở lại thị trường nội địa được xem là hướng đi tiềm năng, khi quy mô thị trường Việt Nam đã vươn lên xếp thứ hạng 15 trên thế giới.

Đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu tăng cao, khó tuyển dụng lao động... là những khó khăn khiến các doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là phải khơi thông thị trường để phục hồi sản xuất. 

Ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cho biết từ tháng 9/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn cả về tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất được 50-60% công suất nhưng luôn cố gắng duy trì nhà máy, giữ việc làm cho lao động. 

Cũng như vậy, các doanh nghiệp ngành nhựa và cao su hiện cũng chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 20% công suất. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM cho rằng, để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm, giảm giá thành, hợp lý hóa quy trình sản xuất… Cùng với đó, ngành sơn, mực in cũng đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất đang có xu hướng giảm, giá các nguyên liệu nhập từ châu Âu cao và khan hiếm.

can khoi thong thi truong cho doanh nghiep san xuat
Cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng.

Trước tình hình khó khăn chung hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, chủ động kết nối và chia sẻ đơn hàng là giải pháp cần thiết tạm thời trước mắt. Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Ngoài ra, tập trung cho thị trường trong nước cũng là một hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp.

“Đơn hàng trong nước hiện đang là “phao cứu sinh” của các doanh nghiệp. Đơn hàng này tuy số lượng không lớn nhưng đủ để doanh nghiệp có thể cầm cự sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, chia sẻ. 

Chứng thực điều này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, đơn vị liên tục tiếp nhiều doanh nghiệp (chuyên xuất khẩu) đến tìm kiếm cơ hội phát triển thị phần trong nước. Việc quay trở lại thị trường nội địa được xem là hướng đi tiềm năng, khi quy mô thị trường Việt Nam đã vươn lên xếp thứ hạng 15 trên thế giới. Đây cũng là giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà còn dài hơi.

Nắm bắt tình hình hiện tại, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ, thành phố sẽ kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát huy hết công suất, nhất là các sản phẩm còn dư địa sản xuất, có khả năng gia tăng sản lượng, để bù đắp phần thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp khác. 

“Trong thời gian tới, thành phố đẩy mạnh thương mại điện tử, tập trung phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng loại hình chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống. Mặt khác, cũng triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp các sàn thương mại điện tử trong nước để tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa”, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định.

Trong khi đó, các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước cũng đang tăng cường tiếp xúc, trao đổi với các bên liên quan… đưa các đoàn công tác của nhiều địa phương và doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam cũng tích cực gặp gỡ các cơ quan liên quan của nước sở tại để hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các tham tán thương mại, nhất là tham tán tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, đơn vị đang tổ chức, xây dựng mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nghiệp Anh - Việt để giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt; cung cấp các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

Mặt khác, đơn vị cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức các hội thảo, tư vấn để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kết nối với các chuyên gia, thương nhân của Anh trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, đồ gỗ…; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu quảng bá hàng hóa và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Để chung sức vượt khó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực HUBA đề xuất, các đơn vị có liên quan tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thông qua xây dựng kế hoạch dài hạn, có lộ trình, có theo dõi, kiểm tra và đánh giá để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh. TP.HCM và các sở ngành quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, nhất là hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước… 

“TP.HCM cùng HUBA thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan sứ quán cần triển khai hiệu quả các công cụ cần thiết hỗ trợ cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường các nước liên quan”, ông Hưng nói.

Minh Lâm

Lượt xem: 6
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan