Phát triển kinh tế tập thể: Cần chiếc áo “thể chế” rộng hơn

Hợp tác xã được xác định là thành phần kinh tế quan trọng, tuy nhiên thực tế cũng đang là thành phần kinh tế yếu nhất hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là vì Luật Hợp tác xã 2012 chưa tạo ra được các động lực cho sự phát triển của hợp tác xã. Theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, vững mạnh và cùng với kinh tế nhà nước đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu không xa vời

Năm 2019, cả nước có khoảng 24,2 nghìn hợp tác xã. Năm 2022, con số này là 29,4 nghìn. Như vậy giai đoạn từ 2020 đến hết 2022, cả nước tăng thêm hơn 5 nghìn hợp tác xã, tương ứng mức tăng trung bình khoảng 7%/năm. Nếu duy trì được mức tăng này thì mục tiêu có khoảng 45.000 hợp tác xã vào năm 2030 như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 (về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới) đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở số lượng và quy mô mà quan trọng hơn là chất lượng, hiệu quả, khả năng tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị… Do đó, thẳng thắn mà nói thì rất khó để chúng ta đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ, dù hiệu quả hoạt động năm 2022 của các hợp tác xã so với năm 2021 tăng trưởng khá tích cực cả về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân người lao động…

Nhưng nhìn chung, các điểm yếu lâu nay vẫn tồn tại: Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo. Nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát, quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị, thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị, đầu tư ứng dụng công nghệ cao… Hoạt động của các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt.

Nhìn lại cả giai đoạn phát triển dài trước đó, dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể liên tục đạt thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và đóng góp GDP cũng giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020 (theo số liệu từ báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012). Theo đó, khung khổ pháp luật, chính sách còn nhiều rào cản là một trong những yếu tố chính đối với sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

phat trien kinh te tap the can chiec ao the che rong hon
Hợp tác xã chè Yên Từ, xã Yên Lãng (Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên)

Chia sẻ tại phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã mới đây, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ thẳng thắn cho rằng, các thể chế về hợp tác xã "chưa thực sự phù hợp với cuộc sống nên chưa đi vào cuộc sống". Theo đó, các chủ trương, chính sách đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng thể chế thiết kế lại chưa thực sự tạo ra được động lực cho khu vực kinh tế này phát triển. Đơn cử, hợp tác xã rất khó tiếp cận đất đai, rất khó tiếp cận vốn do không có tài sản chung để thế chấp vay vốn.

Cần tạo động lực cho hợp tác xã phát triển

Trong khi đó theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hợp tác xã được xác định là thành phần kinh tế quan trọng, tuy nhiên thực tế cũng đang là thành phần kinh tế yếu nhất hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là vì Luật Hợp tác xã 2012 chưa tạo ra được các động lực cho sự phát triển của hợp tác xã. Các quy định về hợp tác xã trong luật vẫn mang tính “đóng” cả về huy động thành viên, huy động vốn hay thu hút nhân tài... Cũng theo chuyên gia này, những điều này vẫn thể hiện trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Một số mục tiêu cụ thể Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra đến năm 2030

- Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

- Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi khi được thông qua tới đây được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp luật để người dân tự nguyện tham gia; huy động được các nguồn lực và phát huy hiệu quả các chính sách liên quan của Nhà nước.

Theo các chuyên gia, với các mục tiêu đề ra rất lớn và cụ thể tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và lộ trình thời gian từ nay đến năm 2030 không còn dài nên những hành động quyết liệt, đổi mới tư duy và đột phá về thể chế để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển là rất quan trọng.

Vì vậy, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, Luật Hợp tác xã sửa đổi tới đây cần mang tính “mở”, có cơ chế thoáng để hợp tác xã có thể thu hút được nhân tài (cơ chế làm việc, tiền lương) và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài.

Vấn đề hoàn thiện thể chế cũng là nội dung được nhấn mạnh tại phiên họp của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa qua. Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong đó trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Đỗ Lê

Lượt xem: 7
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan