Lãi suất cho vay ưu đãi vẫn ‘làm khó’ người mua nhà

Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ 1 -2% so với thời điểm đầu năm, nhưng với nhiều gia đình, giấc mơ an cư vẫn xa vời bởi mức lãi suất cho vay còn quá cao.

Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng bất động sản trong quý I/2023 ước tăng khoảng 3% (cao hơn mức tăng tín dụng chung là 2,06%) so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản đến hết tháng 2/2023 khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ của nền kinh tế; trong đó cho vay nhà ở ước chiếm 67%, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 33%.

Dấu hiệu dần hạ nhiệt

Sau một loạt động thái quyết liệt của cơ quan quản lý, lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt kéo theo lãi vay cũng theo xu hướng đi xuống.

Thống kê của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, lãi suất huy động hiện giảm khoảng 0,5-1,5 điểm % so với đầu năm, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng khi thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện và nhu cầu tín dụng còn thấp. Lãi suất cho vay cũng đang giảm khoảng 1-2 điểm % từ đầu năm khi nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi.

-6055-1681895052.jpg

Lãi suất cho vay giảm khoảng 1-2 điểm % từ đầu năm khi nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi. (Ảnh minh hoạ: Int)

Điển hình như SeABank vừa công bố giảm lãi suất tối đa 1 điểm % đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. Ngân hàng cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất từ 9,29%/năm cho các khoản vay tiêu dùng mua nhà, mua ôtô.

Theo khảo sát của VnBusiness, một số ngân hàng thương mại thời gian gần đây giảm lãi suất vay mua nhà 0,2-2%/năm, phổ biến ở mức trên 10%/năm. Chẳng hạn, tại VietinBank, Viet Capital Bank và MB, lãi vay ưu đãi năm đầu khoảng 10,5%/năm, ACB là 11%/năm, GPBank: 11,3%/năm, VIB và PVComBank: 12%/năm, VPBank: 12,5%/năm, SHB: 12-13%/năm, MSB: 13,75%/năm… Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất ưu đãi từ 6 – 12 tháng, sau thời gian này sẽ tính thả nổi theo thị trường.

Hiện tại, mức biên độ phổ biến được các nhà băng niêm yết từ 3% - 4,5%. Như tại HDBank, lãi suất ưu đãi cố định 13,5%/năm cho năm đầu. Từ năm tiếp theo, lãi suất sẽ được tính thêm biên độ 4,5%/năm cộng với mức ban đầu.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản đang có dự án tại khu đô thị lớn ở Hà Nội cho biết công ty vừa nhận được thông báo của ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 10,5%/năm, áp dụng cho năm đầu tiên. “Điều này khá tích cực với doanh nghiệp, cũng là tin vui với khách hàng của dự án của công ty. Chúng tôi hy vọng nguồn vốn được khơi thông sẽ giúp thanh khoản của dự án tốt hơn”, vị này nói.

Tuy nhiên, chị Q.A - khách hàng dự án trên chia sẻ: “Mặc dù lãi vay mua nhà đã giảm thêm 2% so với thời điểm đầu năm, nhưng ngân hàng chỉ áp dụng trong năm đầu. Sau thời gian này, ngân hàng tính thêm biên độ là 3,5%/năm cộng với mức ban đầu thì lãi vay sẽ “nhảy” lên 14%/năm. Vì vậy, tôi đang tìm hiểu nhà ở xã hội để được vay gói 120 nghìn tỷ đồng nhằm hướng lãi suất ưu đãi trong 5 năm”.

Lãi vay đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Hiện nay, 4 ngân hàng có vốn nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất cho vay áp dụng đến hết 30/6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm.

Mặc dù gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đã sẵn sàng nhưng thời gian đầu, các chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể giải ngân hiệu quả bởi phân khúc nhà ở xã hội vẫn thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu cấp bách khiến nhiều người phải mua nhà ở thương mại – không thuộc đối tượng được vay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, gói tín dụng này dành 50% (khoảng 60 nghìn tỷ) cho vay các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, còn lại là dành cho người mua nhà ở xã hội vay. Vì vậy, khi vay vốn, khách hàng phải tuân thủ theo quy định của các ngân hàng thương mại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của gói này áp dụng từ nay đến 30/6 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội dù tốt hơn mức lãi suất trên 9%/năm mà người dân đã vay, song vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm đối với người mua nhà ở xã hội (Quyết định số 2081 của Ngân hàng Nhà nước) và mang yếu tố bất định khi có thể lên hoặc xuống.

"Hơn nữa, thời gian ưu đãi 5 năm quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội. Do đó, sau thời gian ưu đãi, khi người dân phải đi thỏa thuận sẽ dẫn đến rủi ro cho bên vay. Nếu phải trả lãi theo lãi suất thương mại bình thường sẽ thực sự là gánh nặng đối với bên vay khi đây đều là người có thu nhập thấp", ông Châu nói.

Các chuyên gia cho rằng, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhưng mức giảm lãi vay cần tăng thêm nữa thì mới thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Lực, lãi suất vẫn còn ở mức cao bởi các tổ chức tín dụng vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi sản xuất - kinh doanh vẫn khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.

Huyền Anh

Lượt xem: 6
Tác giả: Dấu hiệu dần hạ nhiệt
Tin liên quan