Giải pháp "mạnh" giúp Tây Hồ quản lý đất bãi sông Hồng

Xử lý triệt để vi phạm, "đấu giá quyền thuê đất để sử dụng vào mục đích phát triển nông nghiệp", ngăn tái phạm... ở khu vực bãi đất sông Hồng là những biện pháp quận Tây Hồ (Hà Nội) đã và đang thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý ở khu vực này.

Tháo hàng nghìn mét rào tôn, hàng chục công trình sai phạm

Thời gian gần đây, đặc biệt là khi Quy hoạch phân khu sông Hồng chính thức được phê duyệt, công tác quản lý đất đai, tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích ngoài bãi sông Hồng đã trở thành một vấn đề nóng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Với đặc thù, 5/8 phường trên địa bàn tiếp giáp với sông Hồng (khoảng 200ha, hơn 7,9km tuyến đê qua 10 cửa khẩu), quận Tây Hồ không nằm ngoài quy luật trên. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị ngoài bãi sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ đã từng bước được xử lý và đi vào nền nếp.

Nói như vậy là bởi, theo thống kê của quận Tây Hồ chỉ tính riêng trong quý 1/2023, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ 1.282m hàng rào tôn; Phá dỡ 31 công trình với tổng diện tích 1.051m2; tháo dỡ 13 cổng sắt…

Hai phường có nhiều diện tích bãi sông Hồng nhất là Tứ Liên và Nhật Tân đã tổ chức bốc, xúc, vận chuyển 5.763m3 đất thải, phế thải và ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 10,5 triệu đồng…

Lực lượng chức năng phường Yên Phụ tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm ở khu vực bãi sông Hồng
Lực lượng chức năng phường Yên Phụ tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm ở khu vực bãi sông Hồng

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đã xử lý dỡ bỏ tại chỗ 61 lượt trường hợp xây dựng vi phạm đê điều, đất đai tồn đọng hoặc mới phát sinh có quy mô nhà tạm, móng gạch, tường bao trên đất công, đất nông nghiệp, đất bãi sông…

Trong đó, khu vực tập trung xử lý là khu đất 5.032,1m2 tại ngách 76/54 phố An Dương; khu đất 7.097,9m2 tại ngõ 76 An Dương phường Yên Phụ; Khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm, phường Tứ Liên…

Ông Công Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết, trước đây, trên địa bàn phường tồn tại một số “điểm nóng” về tình trạng vi phạm Luật đê điều như: Khu vực 4,3ha cuối ngõ 464 Âu Cơ; khu vực bãi đá sông Hồng; Khu vực vườn táo cổ…

Đến thời điểm này, các vi phạm đã được xử lý, khôi phục hiện trạng ban đầu. Đặc biệt, theo ông Công Minh Tuấn, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an phường, đến thời điểm này tình trạng đổ trộm phế thải ra khu vực ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường đã cơ bản được xử lý.

Việc xử lý nghiêm các công trình vi phạm nhằm tạo mặt bằng sạch, để tận dụng lợi thế đất bãi trên địa bàn quận Tây Hồ
Việc xử lý nghiêm các công trình vi phạm nhằm tạo mặt bằng sạch, để tận dụng lợi thế đất bãi trên địa bàn quận Tây Hồ

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, UBND phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức trôn các trụ bê tông, đào hố đất nhằm ngăn chặn các phương tiện vận chuyển đất, phế thải đổ trộm ra khu vực lòng sông Hồng. Nhờ đó, những hành vi vi phạm Luật đê điều đã giảm đi đáng kể.

Giải pháp "cho thuê đất" để tận dụng tiềm năng, lợi thế bãi sông Hồng

Đề cập đến công tác quản lý đất ngoài bãi sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hiện nay, UBND phường đã hoàn thiện phương án đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực cuối ngõ 464 và 264 Âu Cơ - khu đất đã được UBND phường rào chắn, quản lý tại km59 + 420, 490, 600, 700 và vườn táo cổ.

Đồng thời, UBND phường có tờ trình gửi UBND quận Tây Hồ, Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt phương án đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp gắn với làng nghề trồng hoa đào truyền thống Nhật Tân tại khu vực bãi sông.

Liên quan đến phương án đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, tại khu vực bãi sông Hồng, mật độ dân cư thấp, thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm đất, phế thải xuống lòng sông, đặc biệt là ban đêm.

Do đó, việc tổ chức đấu giá cho thuê đất với mục đích sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đổ trộm đất, phế thải xuống lòng sông Hồng, Nhà nước cũng có thêm nguồn thu từ việc đấu giá cho thuê đất. Dài hơi hơn thì việc tổ chức đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây và hoa màu vụ… sẽ tạo điều kiện để Tây Hồ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng quân thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Đất ngoài bãi sông Hồng phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp
Đất ngoài bãi sông Hồng phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp

"Cùng với việc triển khai đề án đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây và hoa màu vụ… đối với những khu vực khác, UBND quận sẽ yêu cầu UBND các phường tiếp tục kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ, xử lý nghiêm, đầy đủ và ngăn chặn kịp thời không để phát sinh vi phạm mới, xác định rõ đối tượng vi phạm để xử lý, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đồng thời, quận sẽ chỉ đạo công an các phường và các bộ phận chức năng tăng cường công tác tuần tra địa bàn kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; Kiên quyết xử lý dứt điểm, triệt để các trường hợp vi phạm, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo quận thu hồi đối với các khu vực diện tích bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật", ông Tịnh cho biết.

Giải pháp mạnh của Tây Hồ bước đầu đã ngăn chặn tái diễn sai phạm trên khu vực đất bãi sông Hồng
Giải pháp mạnh của Tây Hồ bước đầu đã ngăn chặn tái diễn sai phạm trên khu vực đất bãi sông Hồng

Được biết, câu chuyện đấu giá cho thuê đất tại khu vực ngoài bãi sông Hồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch không phải là câu chuyện mới tại quận Tây Hồ. Bởi từ năm 2018, được sự đồng ý về chủ trương của các đơn vị có liên quan, quận Tây Hồ đã có quyết định cho thuê đất tại khu vực bãi đá sông Hồng để sản xuất nông nghiệp, trồng cây và hoa màu vụ…

Sau một thời gian thực hiện, những hành vi vi phạm Luật Đê điều, tình trạng đổ trộm đất, phế thải xây dựng tại khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Do đó, có thể khẳng định, đây là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu những hành vi vi phạm, cũng như đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.

Lượt xem: 9
Tác giả: Hoa Thành
Tin liên quan