Hiện hữu cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025
Chứng khoán Rồng Việt:
Đáp ứng hầu hết các tiêu chí
Hội đồng Quản trị Chỉ số FTSE Russell quyết định giữ lại Việt Nam trong Danh sách theo dõi trong kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2024 do hai tiêu chí còn lại về chu kỳ thanh toán (DvP) vẫn chưa được đáp ứng kể từ đợt đánh giá tháng 3/2024.
Tuy nhiên, khác với đợt trước, FTSE Russell đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với việc cải cách thị trường khi tổ chức này nhắc đến Thông tư số 68/2024/TT-BTC được ban hành ngày 18/9/2024 và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024.
Cụ thể, theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được phép mua cổ phiếu mà không cần phải có đủ tiền trước khi đặt lệnh (prefunding). Đây được xem là giải pháp cho cho hai tiêu chí cuối cùng này.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC Research), khoảng cách từ thời điểm Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực đến đợt xem xét định kỳ tháng 3/2025 là đủ dài để các bên liên quan thực thi và tuyên truyền đến các nhà đầu tư quốc tế về chính sách mới này. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam với các tiêu chí đều được đáp ứng sẽ được nâng hạng khi được FTSE Russell đánh giá lại trong đợt đánh giá tháng 3/2025 và chính thức có hiệu lực kể từ đợt đánh giá tháng 9/2025.
Ông Chen Chia Ken - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã có những quyết tâm lớn trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi luật chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước (pre - funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn.
Bên cạnh đó, lãi suất chính sách của các quốc gia phát triển giảm nhanh hơn trong năm 2025 sẽ thúc đẩy dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đến các thị trường mới nổi có mức tăng trưởng tốt như Việt Nam. Mặt khác, kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp của SCIC dự kiến cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025 bởi đây là năm cuối trong lộ trình 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
“Đây chính là cơ hội tăng cung hàng hóa chất lượng cho thị trường để thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cũng là điểm cộng nhằm “gây sức ép” cho các tổ chức xếp hạng thị trường sớm đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi”, ông Chen Chia Ken chia sẻ.
Cơ hội tiếp cận quy mô vốn 23 tỷ USD
VDSC Research nhận định, nâng hạng thị trường lên “Mới nổi thứ cấp” theo đánh giá của tổ chức FTSE Russell sẽ mang lại một quy mô vốn khoảng 23 tỷ USD từ các quỹ tham chiếu chỉ số. Tuy nhiên, nếu so với các quỹ tham chiếu MSCI Emerging Market Index, con số này vẫn là khá khiêm tốn.
FTSE và MSCI là hai tổ chức được các quỹ đầu tư toàn cầu tín nhiệm trong việc tham chiếu hiệu suất đầu tư dựa trên mục tiêu đầu tư theo hạng thị trường. Ngoài MSCI, FTSE LSEG là một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường tài chính hàng đầu thế giới và cung cấp dữ liệu tài chính, phân tích, tin tức và đặc biệt là các sản phẩm chỉ số cho hơn 40.000 khách hàng tại hơn 170 quốc gia.
Trong đó, các sản phẩm chỉ số FTSE Global Equity Index Series (FTSE GEIS) cung cấp một khung chỉ số cổ phiếu toàn cầu gồm hơn 19.000 chứng khoán thuộc các nhóm vốn hóa lớn, trung bình, nhỏ và siêu nhỏ từ 49 thị trường phát triển và mới nổi trên toàn thế giới.
Có hơn 2,21 nghìn tỷ USD tài sản (AUM) được quản lý theo dõi các chỉ số FTSE GEIS, được sử dụng là mốc chuẩn cho các chiến lược được quản lý chủ động và làm nền tảng cho các phương tiện đầu tư được quản lý thụ động như ETF. Trong đó, có 23 tỷ USD tham chiếu các sản phẩm chỉ số theo phân hạng thị trường của FTSE. Đây là một con số khiêm tốn so với quy mô các quỹ tham chiếu các sản phẩm tương tự của tổ chức MSCI. Mặc dù thị phần về các sản phẩm tham chiếu chỉ số của FTSE không kém hơn so với MSCI quá nhiều.
Vì vậy, việc nâng hạng lên thị trường “Mới nổi thứ cấp/Secondary Emerging market” theo đánh giá của FTSE sẽ mang lại một quy mô vốn khiêm tốn từ các quỹ tham chiếu chỉ số FTSE Emerging Index. Tuy nhiên, VDSC Research cho rằng, việc nâng hạng này sẽ mang lại ý nghĩa biểu tượng cho chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo đà tiến xa hơn. Sự phân loại này giúp nhà đầu tư hiểu rõ bản chất thị trường, đánh giá rủi ro, nhận diện cơ hội và đưa ra quyết định sáng suốt trong việc phân bổ tài sản. Đồng thời, nó tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư quốc tế, khi nhiều quỹ sử dụng phân loại này làm chuẩn mực để quyết định quy mô phân bổ vốn.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBCKNN, ông Miguel Castillo - Phụ trách Bộ phận Nghiên cứu chỉ số thị trường của MSCI khẳng định, các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý Việt Nam đang đi đúng hướng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường...
Theo đó, cơ hội nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của FTSE trong năm 2025 và xa hơn là đáp ứng tiêu chí của MSCI là khả thi. Điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút thêm một lượng vốn đáng kể.