Giá điện tăng 8% sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%

Theo tính toán, giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho lạm phát tăng 0,4-0,5%. Vì vậy, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ đối phó với tác động ngược của sự điều chỉnh này. 

Liên quan tới câu chuyện tính toán điều chỉnh giá bán lẻ điện, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), nêu quan điểm giá điện gần 5 năm nay không tăng, nhưng chi phí sản xuất hiện tăng rất cao. Nguyên nhân là do tỷ lệ nhiệt điện đang chiếm rất lớn trong cơ cấu phát điện thương phẩm, trong khi giá than, khí tăng rất cao, khiến cho EVN lỗ khá nặng.

-2004-1680746988.jpg

Bộ Công Thương đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện trong năm nay. 

Trong khi đó, Chính phủ quản lý giá điện bởi đây là mặt hàng đặc biệt, không thể thiếu trong hoạt động tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, chi phí sản xuất điện tăng cao, nhu cầu cũng tăng cao, EVN phải đảm bảo sản lượng điện sản xuất ra đủ cung cấp cho nền kinh tế là vấn đề rất quan trọng.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, dự báo thời tiết năm nay, hiện tượng El Nino (hạn hán, nắng nóng) sẽ tác động đến toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vấn đề này. Hạn hán làm giảm sản lượng thuỷ điện, còn nắng nóng làm cho sức tiêu thụ điện tăng lên. Nhu cầu và bối cảnh như vậy buộc chúng ta phải tăng giá điện.

Mục tiêu tăng giá điện là để EVN đủ nguồn lực duy trì và mở rộng sản xuất, tái đầu tư. Cùng với đó, tăng giá điện cũng để các hộ sử dụng điện, doanh nghiệp dùng điện tiết kiệm hơn, tránh sử dụng điện lãng phí.

"Tăng giá điện dứt khoát tác động đến tăng trưởng và lạm phát, đây là cái giá phải trả. Theo tính toán, giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho lạm phát tăng trên 0,4- 0,5%", TS. Nguyễn Bích Lâm phân tích. 

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng chúng ta không thể không tăng giá điện nhưng phải có giải pháp tránh tác động ngược của việc điều chỉnh gây ra. 

Đồng thời, Việt Nam cần phải đặt ra vấn đề chuyển đổi cơ cấu năng lượng khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng từ điện hoá thạch sang điện tái tạo như mặt trời, sức gió, điện sóng biển và sinh khối (rác thải).

"Năng lượng hoá thạch ngày càng khan hiếm, giá cả tăng, mấy ngày nay, chúng ta thấy nói nhiều đến chuyện OPEC+ cắt giảm sản lượng hơn 1,6 triệu thùng dầu/ngày, đưa giá dầu thô lên trên 80 USD/thùng, tác động rất mạnh đến giá xăng dầu, lạm phát và cả kể điện chạy bằng dầu khí.

Sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu hướng của thế giới và chúng ta cũng đang sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, chứng kiến nhiều dự án điện tái tạo (mặt trời và cả điện gió) không bán được cho EVN, phải chịu đàm phán giá hoặc chạy không trong khi đó họ bỏ tiền đầu tư, ai cũng đau xót", TS. Lâm bình luận. 

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, vừa qua có dịp đi vào Bình Thuận, ông cũng rất đau xót khi nhìn những trụ điện gió trăm tỷ đứng yên, đây là sự lãng phí bởi chúng ta vẫn đang phải trả tiền đắt đỏ để nhập khẩu than về sản xuất điện. 

Về vấn đề điều chỉnh giá điện, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá trong khung giá điện bán lẻ bình quân, giới hạn cho tăng giá điện đang ở mức rất cao - tăng trên 28% so với mặt bằng giá hiện nay. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu lại phải tính toán rất chi tiết vừa để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đảm cân đối lại bài toán tài chính cho EVN. 

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, nên điều chỉnh giá điện làm 2 đợt, có thể tăng thấp ở quý II, quý III khi mà nóng nắng đang ở giai đoạn cực điểm. Từ tháng 10 cho đến cuối năm, có thể cho tăng thêm vài % nữa nhằm đảm bảo cân đối tài chính cho EVN. 

Nhật Linh 

Lượt xem: 6
Tác giả: Nhật Linh 
Tin liên quan