Bất động sản nghỉ dưỡng chờ được 'cởi trói'

Sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi, căn hộ khách sạn/du lịch (condotel) và văn phòng lưu trú (officetel), cùng các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng khác nếu đủ điều kiện dự kiến sẽ được cấp sổ đỏ, mở ra hy vọng “rã đông” hàng chục nghìn tỷ đồng đang "đóng băng".

Cụ thể, tại Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 3/4, một trong những nội dung được chú ý nhất là cấp sổ đỏ cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Kỳ vọng “bung lụa” trở lại

Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật.

Để được cấp giấy chứng nhận, các công trình bất động sản nghỉ dưỡng/du lịch phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; đúng thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3, điều 126 và khoản 1, điều 128 của Luật Đất đai.

-6702-1680598997.jpg

Việc được cấp sổ đỏ được kỳ vọng sẽ giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Nghị định số 10/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023. Và để được cấp sổ đỏ thì cần không ít điều kiện, song trong bối cảnh khó khăn bủa vây, đây vẫn là tin vui với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang sở hữu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel và officetel.

Đang mắc kẹt với 2 căn condotel, tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng, tại Nha Trang (Khánh Hòa), anh Trần Quốc Khánh (Hà Nội) kỳ vọng thông tin mới sẽ là liều “doping” giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Theo anh Khánh, sau khi bùng lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2020, bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu giảm nhiệt và rơi vào cơn bĩ cực trong thời kỳ đại dịch. Từ cuối năm 2022, khi du lịch mở cửa trở lại, tình hình có khả quan hơn, nhưng thanh khoản vẫn rất thấp vì rào cản pháp lý.

“Nếu được cấp sổ đỏ, tức có danh phận rõ ràng, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ được cải thiện. Bởi lâu nay, vấn đề pháp lý vẫn được đánh giá là “tử huyệt” khiến condotel từ vị thế thống trị rơi vào tình trạng ngắc ngứ như hiện tại”, anh Khánh phân tích.

Không chỉ nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng đang rất chờ đợi vào quy định mới. Trong một hội nghị với Ngân hàng Nhà nước diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, đại diện Sungroup từng chia sẻ đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư chồng chéo, gây khó cho kinh doanh bất động sản.

Việc được “cởi trói” về pháp lý, trong đó quan trọng nhất là cấp sổ đỏ cho các loại hình như condotel, officecel, sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện dự án, tìm kiếm khách hàng, từ đó ổn định dòng tiền, ứng phó với những “cơn gió ngược” của thị trường.

Khó khăn vẫn chưa hết?

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực đã nhiều lần cho biết, cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse biển…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.

Nếu sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ có thể “phá băng” cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.

Có nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, theo giới phân tích, vấn đề của bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ là sổ đỏ. Trong ngắn hạn, du lịch chưa phục hồi hoàn toàn đang là “bài toán” nan giải nhất.

Trong loạt bài viết mới đây, Vnbusiness dẫn lời ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình, nhìn nhận những khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại là bởi 2 “cú đấm bồi” từ dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị trên thế giới, dẫn tới khách từ Trung Quốc và Nga - hai nguồn khách chính đến Việt Nam sụt giảm.

Chưa kể, trước sức ép phải triển khai công trình vì đã nhận giấy phép đầu tư, nhà đầu tư buộc phải huy động vốn để xây dựng. Sản phẩm làm ra rất nhiều nhưng xây xong lại không có nguồn thu thì khó mà trả lại vốn. “Thế thì làm sao mà nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sống được trong 3 năm”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, cho biết công ty này đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển condotel do vướng mắc về tín dụng với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét có phương án cho vay với condotel và các loại hình nhà ở thương mại nói chung", bà Nam nói trong hội nghị với Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 2/2023.

Có thể thấy, nghị định mới của Chính phủ là rất kịp thời để tháo gỡ một phần nút thắt của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vốn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, để gỡ khó hoàn toàn, giúp phân khúc này trở lại thời hoàng kim, sẽ cần những giải pháp đồng bộ hơn, cả về pháp lý, vốn tín dụng, lẫn các quy định về mua bán…

Hưng Nguyên

Lượt xem: 12
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật