Nhà ở xã hội có lặp lại kịch bản như 10 năm trước?

Hơn 10 năm trước, khi thị trường bất động sản "đóng băng", phân khúc nhà ở xã hội được thổi bùng lên như một “cứu cánh” để vực dậy thị trường. Nhưng kết quả thì ai cũng biết, đến nay “cơn khát” nhà giá rẻ vẫn chưa được giải khi cung ít, cầu nhiều.

Kịch bản dường như lại một lần nữa lặp lại ở hiện tại khi khí thế xây nhà ở xã hội đang lên cao, với hàng loạt chính sách vĩ mô, cùng hành động của nhóm “big 4” nhà băng với gói 120.000 tỷ đồng, lãi suất 8,2%/năm. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trong quá khứ khiến nhiều người lo “bổn cũ soạn lại”.

Có nhiều điểm tựa hơn

Những lo lắng trên, xét trên thực tế, là có cơ sở, không chỉ vì “nỗi sợ” từ quá khứ, mà còn bởi những gì đang diễn ra. Cụ thể, thời gian qua, không ít dự án khởi công rầm rộ chỉ để lấy ngày rồi lại thi công èo uột hoặc “treo” vô thời hạn.

Đơn cử như ở TP.HCM, các dự án nhà ở xã hội không thiếu, nếu không muốn nói là rất nhiều, nhưng số dự án hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất nhiều dự án còn vướng mắc, nằm trên giấy. Trong năm 2022, có 10 dự án nhà ở xã hội được khởi công nhưng chỉ có 1 dự án hoàn thành tại Thủ Đức.

Có thể kể đến loạt dự án đình trệ sau khởi công rầm rộ như dự án số 23 đường Lý Tự Trọng (quận 1, đối diện Bệnh viện Nhi Đồng 1), dự nhà ở xã hội khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc khu dân cư Tân Thuận Tây…

-8969-1680572567.jpg

Người dân lo kịch bản cũ lặp lại, cơn khát nhà ở khó được giải hết.  

Anh Lê Quốc Tuấn (quận Tân Bình) cho biết, hơn 1 năm trước, anh đặt cọc một căn nhà ở xã hội trên đường Hoàng Văn Thụ, nhưng đến nay dự án vẫn “đắp chiếu”. Ban đầu, theo anh Tuấn, khi dự án thi công ì ạch, người mua còn đến treo băng rôn biểu tình, nhưng sau thì đành “buông xuôi chờ đợi”.

Kết quả “èo uột” trong quá khứ, cùng những diễn biến khó lường trong hiện tại rõ ràng đem đến những lo ngại, nhưng theo giới phân tích, bối cảnh hiện tại có nhiều điểm tựa hơn.

Đầu tiên là động thái “nắn” lại dòng tiền của loạt doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm… hướng vào phân khúc nhà vừa túi tiền, trong đó có nhà ở xã hội.

Điển hình, Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, sau khi báo cáo thường niên năm 2022 của công ty được công bố, đã nhấn mạnh nhà ở xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “ông lớn” này trong năm 2023.

Trong năm 2022, Vinhomes lần đầu tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home. Trong tháng 7/2022, Vinhomes đã động thổ 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố đầu tư khoảng 100.000 căn nhà ở xã hội với giá từ 20 triệu đồng/m2. Hay như Tập đoàn Thắng Lợi cũng gia nhập cuộc đua làm nhà ở giá rẻ, khi dự kiến tung ra thị trường khoảng 10.000 căn, với giá bình quân trên dưới 1 tỷ đồng.

Không thể “một sớm một chiều”

Việc các doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm lực tài chính mạnh bắt đầu chuyển hướng dòng tiền về các sản phẩm giá mềm, đặc biệt là nhà ở xã hội khiến cơ hội để nguồn cung được cải thiện sẽ cao hơn. Bởi, khi những "ông lớn" tung tiền, tỷ lệ dự án “khởi công rồi để đó” sẽ thấp hơn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, đánh giá việc các nhà đầu tư giàu tiềm lực tham gia phân khúc nhà giá rẻ là tín hiệu rất tích cực, giúp cân bằng thị trường. Bên cạnh các sản phẩm để bán, các doanh nghiệp cần tăng cường nhà cho thuê, vì công nhân, người lao động nghèo đô thị với thu nhập ít ỏi cũng khó có thể mua được nhà, dù giá rẻ hơn.

Bên cạnh sự tham gia của những doanh nghiệp lớn, động thái của Chính phủ cũng rất quyết liệt. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Đề án do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 3/4, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Đề án nêu rõ thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030 cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên tín dụng cho vay, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để có giải pháp đẩy nhanh các dự án.

Cũng trong ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có hướng dẫn triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội trong thời gian ưu đãi đến hết ngày 30/6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, còn với người mua nhà là 8,2%/năm...

Những động thái quyết liệt của Chính phủ, cùng quyết tâm của các doanh nghiệp đầu ngành, rõ ràng đem lại nhiều hy vọng hơn cho người mua nhà. Tuy nhiên, để kịch bản trong quá khứ không lặp lại, theo chuyên gia, vẫn cần nhanh chóng “cởi trói” những quy định về thủ tục đầu tư, quỹ đất, lãi suất…

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành khẳng định câu chuyện của nhà ở xã hội là cần “gỡ vướng”. Vướng ở đây trước hết là luật và pháp lý, sau là vốn và quỹ đất. Chỉ khi các vấn đề này được tháo gỡ, doanh nghiệp mới có nhiều động lực để làm.

Hưng Nguyên

Người mua nhà ở xã hội được vay lãi suất 8,2%

Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo đó, về nguyên tắc cho vay, khách hàng ngoài đáp ứng các điều kiện về vay vốn, phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Mỗi người mua nhà chỉ được vay vốn chương trình này một lần để mua một căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Mỗi dự án của chủ đầu tư cũng chỉ được tham gia vay vốn tại chương trình này một lần.

Thời hạn giải ngân của chương trình áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội trong thời gian ưu đãi đến hết ngày 30/6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, còn với người mua nhà là 8,2%/năm.

Kể từ ngày 1/7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất. Bốn ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm thực hiện gói vay theo chương trình từ ngày 1/4.

Lượt xem: 11
Tác giả: Không thể “một sớm một chiều”
Tin liên quan