Mức hỗ trợ lãi suất của gói 120.000 tỷ còn thấp so với mặt bằng đang cao
“Mức lãi vay lĩnh vực bất động sản hiện đang dao động từ 13 - 15%, nếu giảm 1 - 2% thì mức lãi vẫn còn khá cao và sẽ khó khuyến khích người dân đi vay mua nhà ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, việc thả nổi theo lãi suất thị trường cũng sẽ là một rủi ro mà người đi mua nhà có thể gánh chịu trong tương lai khi mà lãi suất thị trường tăng”, TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá.
Như VietnamFinace, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nên giảm thêm lãi vay
Đáng chú ý, tại Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Theo đó, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đồng thời, Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.
Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng gói 120.000 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho người có nhu cầu thực, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn khá ít so với mặt bằng lãi suất hiện đang khá cao. Do đó, cần cân nhắc để giảm thêm nhằm thu hút được người dân tham gia vào gói này.
“Mức lãi vay lĩnh vực bất động sản hiện đang dao động từ 13 - 15%, nếu giảm 1 - 2% thì mức lãi vẫn còn khá cao và sẽ khó khuyến khích người dân đi vay mua nhà ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, việc thả nổi theo lãi suất thị trường cũng sẽ là một rủi ro mà người đi mua nhà có thể gánh chịu trong tương lai khi mà lãi suất thị trường tăng”, ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho rằng bên cạnh gói 120.000 tỷ đồng thì có thể xem xét một gói tương tự gói 30.000 tỷ trước kia nhưng với quy mô lớn hơn cũng như mở rộng đối tượng được xem xét mua nhà ở xã hội lên.
“Điều này sẽ giúp cho phân khúc nhà ở xã hội sôi động và sẽ có nhiều nguồn cung được đưa ra thị trường, cũng như người dân có thu nhập thấp có thể tiếp cận dễ dàng để mua nhà hơn, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của họ. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp và quy định để hạn chế tình trạng đầu cơ trong phân khúc này để tránh việc đầu cơ đẩy giá bất động sản tăng cao, gây thiệt hại cho người có nhu cầu thực và gây ra tình trạng bong bóng bất động sản”, ông Huân nói.
Để gói 120.000 tỷ đi vào thực tế, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng cần có quy định cụ thể, rõ ràng, để ngân hàng và người dân có thể dựa vào đó thực thi.
“Người dân khi thấy đã đủ điều kiện đi vay thì có thể đến ngân hàng để vay. Ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân khi họ đã đủ điều kiện, không được phép đưa ra các lý do khác để từ chối”, ông Huân nói.
Ngoài ra, theo ông Huân, lãi suất cần phải thấp và cố định trong suốt thời gian vay. “Theo tôi nghĩ lãi suất ở mức 8% là phù hợp. Phần chênh lệch với giá thị trường thì Ngân hàng Nhà nước hoặc nguồn ngân sách sẽ bù vào cho ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại cũng nên hỗ trợ một phần lãi suất này để cùng chung tay với Chính phủ thực thi chính sách nhà ở cho người dân”, ông Huân chia sẻ.
Cần mở động đối tượng vay
Để phát huy tối đa hiệu quả của gói 120 nghìn tỷ, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng Nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai bởi đây là "liều thuốc bổ" có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
"Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định", vị này cho hay.
Ngoài ra, ông Đính cho rằng, đối với gói tín dụng trên cần phải có quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính.
Cũng theo ông Đính, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.