Đến hết quý IV/2024, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt 12.364 tỷ USD, tỷ trọng USD tăng lên mức 57,80%

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý IV/2024.

Dữ liệu này được tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên và phi thành viên IMF cùng những thực thể khác có nắm giữ ngoại hối quốc tế. Dự trữ ngoại hối bao gồm ngoại tệ, vàng, tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu kho bạc và chứng khoán khác của chính phủ,...

Trong quý IV/2024, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt 12.364 tỷ USD, giảm hơn 38 tỷ USD so với quý trước (12.750 tỷ USD), chủ yếu là do đồng tiền này tăng giá so với những đồng tiền dự trữ khác.

Tương tự, USD tăng giá cũng góp phần nâng tỷ trọng USD trong cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc tế đã phân bổ từ 57,39% trong quý trước đó lên 57,80% trong quý IV/2024.

Tỷ trọng EUR trong tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đã phân bổ giảm xuống 19,83% từ 20,02% trong quý trước. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không thay đổi, tỷ trọng EUR sẽ tăng thêm 0,71%, tức là cao hơn quý trước.

Cũng do USD tăng giá, tỷ trọng CNY chỉ nhích nhẹ 0,01% lên 2,18%, nhưng nếu tỷ giá không thay đổi thì tỷ trọng CNY sẽ tăng 0,02%.

Nếu không tính USD, EUR, CNY, tỷ trọng những đồng tiền dự trữ còn lại giảm xuống 20,19% trong quý IV/2024 từ 20,50% trong quý trước, mà nguyên nhân cũng là do USD tăng giá mạnh.

Theo dữ liệu thống kê do Wikipedia công bố, top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự trữ ngoại hối quốc tế bao gồm: (1) Trung Quốc với 3.571,803 tỷ USD (dữ liệu ngày 31/10/2024), tăng 21,957 tỷ USD; (2) Nhật Bản với 1.238,95 tỷ USD (dữ liệu ngày 1/11/2024), giảm 15,948 tỷ USD; (3) Thụy Sỹ với 952,687 tỷ USD (dữ liệu ngày 30/9/2024), tăng 1,127 tỷ USD; (4) Ấn Độ với 639,593 tỷ USD (dữ liệu ngày 21/03/2025), tăng 30,165 tỷ USD; (5) CHLB Nga với 620,8 tỷ USD (dữ liệu ngày 8/11/2024), giảm 11,9 tỷ USD; (6) Đài Loan với 576,846 tỷ USD (dữ liệu ngày 7/11/2024), giảm 1,083 tỷ USD; (7) Arập Xê út với 434,547 tỷ USD (dữ liệu ngày 8/11/2024), giảm 21,728 tỷ USD; (8) Hồng Kông với 421,4 tỷ USD (dữ liệu ngày 8/11/2024), tăng 5,126 tỷ USD; (9) Hàn Quốc với 415,7 tỷ USD (dữ liệu ngày 5/11/2024), giảm 4,3 tỷ USD; (10) Brazil với 388,571 tỷ USD (dữ liệu ngày 1/10/2024), tăng 7,465 tỷ USD.

Tại bảng thống kê này, dự trữ ngoại hối của Mỹ đạt 243,61 tỷ USD (dữ liệu ngày 1/11/2024, đứng thứ 15 trên thế giới).

Mặc dù kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục ảm đạm, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Theo ước tính, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 16 tỷ USD, chủ yếu là từ Mỹ và các nước trong khu vực. Riêng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 9,547 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.