Đầu tư fintech trên toàn cầu chùng xuống do lãi suất cao
Vốn đầu tư rót vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2024 giảm 17% so với nửa cuối năm 2023. Hoạt động đầu tư fintech dự kiến tiếp tục trầm lắng trong những tháng còn lại của năm nay.
Theo hãng kiểm toán KPMG , môi trường lãi suất cao và các bất ổn địa chính trị khiến nhà đầu tư fintech chùn tay, đặc biệt là đối với các giao dịch thâu tóm và sáp nhập (M&A) có giá trị lớn.
Tâm lý thận trọng cản trở dòng vốn đầu tư
Báo cáo của KPMG, công bố hôm 6-8, ghi nhận, trong nửa đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư rót vào các công ty fintech trên toàn cầu thông qua 2.255 thương vụ M&A, đầu tư vốn cổ phần tư nhận (PE) và vốn mạo hiểm (VC) đạt 51,9 tỉ đô la Mỹ. Con số này giảm 17% so với nửa cuối năm 2023 và cũng đánh dấu mức thấp nhất kể nửa đầu năm 2020.
Thương vụ đầu tư fintech lớn nhất trong trong nửa đầu năm 2024 là GTCR, một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, chi 12,5 tỉ đô la để thâu tóm 55% cổ phần của Worldpay. Ảnh: substack.com |
Đầu tư fintech suy giảm ở tất cả các khu vực, trong đó, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) ghi nhận mức giảm mạnh nhất (giảm 41% so với sáu tháng trước đó).
Thị trường châu Mỹ vẫn tương đối sôi động, với vốn đầu tư fintech đạt 36,7 tỉ đô la, chỉ giảm 1,8 tỉ đô la so với 6 tháng cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, chỉ có 5 thương vụ đầu tư fintech có quy mô trên 1 tỉ đô la. 4 trong số 5 thương vụ đó diễn ra ở châu Mỹ. Đáng chú ý nhất là thương vụ GTCR, một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, chi 12,5 tỉ đô la để thâu tóm 55% cổ phần của Worldpay, công ty xử lý thanh toán của Mỹ, từ tập đoàn fintech FIS.
Đầu tư fintech ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) giảm xuống 3,7 tỉ đô la, từ 4,6 tỉ đô la trong nửa cuối năm 2023. Một điểm đáng lưu ý là vốn đầu tư fintech thông qua các thương vụ M&A và PE ở khu vực này suy yếu rõ rệt, chỉ đạt lần lượt 300 triệu đô la và 7,8 triệu đô la. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Úc và Nhật Bản đều ghi nhận vốn đầu tư fintech suy giảm.
“Năm 2024 có một khởi đầu đầy thử thách đối với thị trường fintech toàn cầu, do những lo ngại đang diễn ra liên quan đến các bất ổn về địa chính trị và lãi suất cao”, Anton Ruddenklau, giám đốc toàn cầu về fintech và đổi mới của KPMG bình luận.
Theo Karim Haji, giám đốc dịch vụ tài chính cầu của KPMG , chi phí vốn cao và bất ổn về địa chính trị liên quan đến các cuộc xung đột quân sự và bầu cử ở nhiều nước đã cản trở đáng kể đối với tất cả hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Thị trường fintech cũng không tránh khỏi điều đó. Các nhà đầu tư fintech đang hành động thận trọng do lo ngại về mức định giá cao và khả năng sinh lời của các mục tiêu tiềm năng.
“Nhà đầu tư fintech đang tập trung vào việc cải thiện các công ty mà họ đã sở hữu thay vì thâu tóm công ty mới”, Karim Haji nói.
Trong nửa đầu năm, tổng vốn đầu tư rót vào các công ty fintech trên toàn cầu thông qua 2.255 thương vụ MA, đầu tư vốn cổ phần tư nhận (PE) và vốn mạo hiểm (VC) đạt gần 52 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: kpmg.com |
Thanh toán và AI trở thành điểm sáng
Xét theo phân khúc cụ thể trong lĩnh vực fintech, thanh toán (payment) chứng kiến dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Theo báo cáo của KPMG, phân khúc này thu hút 21,4 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm, gần bằng con số 22,7 tỉ đô la trong cả năm 2023.
Phân khúc công nghệ quản lý (RegTech) cũng gây sự chú ý khi thu hút 5,3 tỉ đô la, tăng so với 3,4 tỉ đô la trong cả năm 2023. RegTech (regulatory technology) là các công nghệ được sử dụng để giúp các tổ chức tài chính tối ưu hóa quy trình tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Xét về khía cạnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư fintech, đặc biệt là ở châu Mỹ.
Mỹ chứng kiến bốn giao dịch đầu tư fintech lớn liên quan đến AI, trong đó có thương vụ hãng bảo hiểm Travelers Companies thâu tóm Công ty công nghệ bảo hiểm an ninh mạng Corvus với giá 427 triệu đô la. Được thành lập vào năm 2017, Corvus sử dụng nền tảng phát hiển rủi ro mạng độc quyền, do AI vận hành, để giúp khách hàng xác định các lỗ hổng an ninh mạng.
Trung Quốc ghi nhận một giao dịch đầu tư fintech lớn liên quan đến AI. Theo KPMG, trong nửa đầu năm nay, MioTech, có trụ sở ở Hồng Kông, huy động được 150 triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm. MioTech sử dụng AI để giải quyết các thách thức về tính bền vững, biến đổi khí hậu, khí thải carbon và trách nhiệm xã hội mà các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và chính phủ đang đối mặt. MioTech cung cấp phần mềm và dữ liệu về các tiêu chuẩn bền vững trên toàn cầu để giúp khách hàng doanh nghiệp tuân thủ các quy định quản lý. Công ty đang phát triển phần mềm hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, hóa chất và dầu cọ đáp ứng các quy định quản lý tính bền vững của Liên minh châu Âu (EU).
KPMG nhận định, hoạt động đầu tư vào fintech trên toàn cầu dự kiến tiếp tục trầm lắng trong nửa cuối năm 2024 do môi trường lãi suất còn cao, dẫn đến chi phí vốn cao.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng có thể chọn phương án “án binh bất động” trong khi chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Theo KPMG, AI có thể sẽ là phân khúc đầu tư hấp dẫn nhất khi các công ty khởi nghiệp nỗ lực điều chỉnh các giải pháp AI dành riêng cho lĩnh vực dịch vụ tài chính.