Trung Quốc cân nhắc bơm 142 tỷ USD vào các ngân hàng quốc doanh
Trung Quốc đang xem xét kế hoạch bơm tới 1,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 142 tỷ USD) vào các ngân hàng quốc doanh lớn nhất. Đây có thể là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mà Bắc Kinh thực hiện một biện pháp can thiệp quy mô lớn như vậy vào hệ thống ngân hàng.
Theo các nguồn tin thân cận, nguồn vốn này chủ yếu sẽ đến từ việc phát hành trái phiếu chủ quyền đặc biệt mới. Mặc dù chi tiết vẫn đang được hoàn thiện và có thể thay đổi, động thái này cho thấy mức độ quan ngại của chính phủ Trung Quốc về tình trạng của nền kinh tế.
Đáng chú ý, kế hoạch này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm giảm lãi suất thế chấp và cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực kép: Một mặt là tỷ suất lợi nhuận thấp kỷ lục, lợi nhuận sụt giảm và nợ xấu tăng cao; mặt khác là yêu cầu từ chính phủ về việc hỗ trợ nền kinh tế bằng cách cung cấp các khoản vay rẻ hơn cho những đối tượng rủi ro.
Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh đầu tuần này, Li Yunze, người đứng đầu cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc, chia sẻ các cơ quan chức năng sẽ hành động để tăng vốn cấp 1 lõi tại 6 ngân hàng thương mại lớn của nước này, mà không nêu chi tiết. Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia không phản hồi yêu cầu bình luận.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn bằng cách cung cấp các khoản vay rẻ hơn cho những người vay rủi ro - từ các nhà phát triển bất động sản và chủ nhà đến các phương tiện tài chính chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt. Gần đây nhất, một số ngân hàng đã đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc trả cổ tức giữa kỳ lần đầu tiên nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán ngay cả khi tăng trưởng lợi nhuận và biên lợi nhuận đang giảm.
Việc huy động vốn hiện tại là thuận lợi cho Chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 5, Trung Quốc đã khởi động đợt phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn rất dài trị giá 1,000 tỷ Nhân dân tệ. Theo kết quả đấu giá mới nhất, một trái phiếu kỳ hạn 30 năm được bán với lợi suất trung bình 2.19%, mức thấp kỷ lục dựa trên dữ liệu Bloomberg về các đợt phát hành trong quá khứ của kỳ hạn này từ năm 2007.
Tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại chỉ tăng 0,4% trong nửa đầu năm, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020. Biên lãi suất ròng của ngành đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.54% vào cuối tháng 6, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1.8% được coi là cần thiết để duy trì khả năng sinh lời hợp lý.
Việc chi trả cổ tức cao hơn cũng đe dọa làm suy giảm tấm đệm vốn tại các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống. Họ phải giờ phải gấp rút bổ sung vốn theo yêu cầu.
Sáu ngân hàng lớn nhất - bao gồm cả Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Giao thông và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc - chủ yếu dựa vào lợi nhuận giữ lại để tăng vốn đệm.
Tỷ lệ đủ vốn cấp 1 trung bình của họ đã giảm nhẹ xuống 11.77% vào cuối tháng 6, nhưng vẫn cao hơn mức 8.5% yêu cầu đối với các ngân hàng có tầm quan trọng với hệ thống Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh can thiệp để hỗ trợ các ngân hàng của mình, hầu hết trong số đó vẫn thuộc sở hữu đa số của Nhà nước.
Trung Quốc lần đầu tiên giải cứu 4 ngân hàng lớn của mình vào cuối những năm 1990 khi tỷ lệ nợ xấu của họ tăng vọt lên khoảng 40%. Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách đã bán trái phiếu đặc biệt để huy động vốn và thành lập các ngân hàng mua bán nợ xấu do Nhà nước điều hành để mua 1,400 tỷ Nhân dân tệ nợ xấu theo giá trị danh nghĩa. Nỗ lực này phần lớn đã thành công, mở đường cho hơn một thập kỷ tăng trưởng vượt bậc đã biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và giúp nhiều công ty lớn nhất của nước này tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Tương tự, vào đầu những năm 2000, chính phủ đã bơm 60 tỷ đô la dự trữ ngoại hối để tái cấp vốn cho ba ngân hàng lớn, và năm 2008, Ngân hàng Nông nghiệp nhận được khoảng 19 tỷ đô la trong một đợt giải cứu khác.
Kế hoạch bơm vốn hiện tại, nếu được thực hiện, sẽ là một động thái quan trọng không chỉ đối với ngành ngân hàng mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Nó cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.