Tín dụng tiêu dùng sẽ bứt phá trong năm 2025?
Tín dụng tiêu dùng đã có những bước phục hồi rõ nét trong năm nay, nhưng so với sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác vẫn còn chậm hơn. Theo dự báo của giới phân tích, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.
Bà Trần Kiều Oanh, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup đánh giá, bước sang năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.
Tín dụng tăng tốc cuối năm
Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/12, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 12,5%, cao hơn so với mức tăng trưởng trên 9% vào cùng kỳ năm 2023. Động lực chính đến từ phân khúc doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ hồi phục chậm hơn.
Các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cao, như Techcombank, HDBank, LPBank, NamABank, MSB, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, vượt trung bình ngành.
Tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô. |
Nhu cầu tín dụng tăng mạnh vào cuối năm, đặc biệt từ các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, cũng như nhu cầu tiêu dùng và đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, dư địa cho vay vẫn rộng mở khi nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng được phân bổ.
Các chuyên gia dự báo một số ngân hàng tư nhân năng động có khả năng mở rộng tín dụng đạt đến 80% chỉ tiêu như Techcombank, MB, MSB, TPBank… có thể đã được nới hạn mức tín dụng trong đợt cấp bổ sung vào cuối tháng 11 vừa qua và nhóm ngân hàng này dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20% trong năm 2024.
Do vậy, các nhà băng này đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tháng cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt, nhóm tín dụng mua nhà để ở có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong quý IV và đặc biệt là tháng cuối năm. Các yếu tố như nhu cầu vay vốn mua xe, mua nhà và mua sắm trang thiết bị gia đình và tiện ích từ thẻ tín dụng không chỉ hỗ trợ cuộc sống của người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tín dụng đen.
Đại diện một showroom ô tô cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, trung bình mỗi ngày bàn giao từ 10 đến 20 xe ô tô mới cho khách hàng. Trong khối lượng xe bán được hiện nay, trung bình cứ 10 khách hàng thì có 4 người có nhu cầu vay ngân hàng, thế chấp bằng chính xe ô tô.
Anh Hoàng Anh Tú, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho hay, cuối năm, thị trường bất động sản khởi sắc, một số doanh nghiệp chào bán sản phẩm, lượng khách hàng đặt cọc mua nhà tăng, trong đó nhiều người có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Ngoài những khoản vay lớn như sửa nhà, mua xe, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng mạnh, tạo "cơ hội vàng" để các hộ kinh doanh tăng cường sản xuất, phát triển và mở rộng, kéo theo nhu cầu vay vốn kinh doanh của các cá nhân và hộ gia đình cũng tăng cao.
Một siêu thị điện máy cho biết, trong mùa bán hàng cuối năm, mỗi tháng lượng tiêu thụ tăng gấp rưỡi so với bình thường. Trong đó, phần lớn khách hàng là vợ chồng trẻ, sinh viên, hoặc người lao động... đều có nhu cầu mua trả góp hoặc vay tiêu dùng.
Hiện nay, khi vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần phải có phương án sử dụng vốn khả thi, mà chỉ cần cung cấp cho ngân hàng thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.
Cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tín dụng tiêu dùng
Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý IV/2024 và 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.
“Cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 15% cho năm 2025, ở cả phân khúc bất động sản sơ cấp và thứ cấp khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung mạnh”, theo VCBS.
Chuyên gia cũng đánh giá, nhu cầu và tiềm năng của phân khúc cho vay mua nhà còn rất lớn, tuy nhiên cần thêm thời gian để các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân, giúp kéo giảm mặt bằng giá nhà và kích thích nhu cầu vay mua nhà quay trở lại mức tăng trưởng trung bình trên 20%/năm như giai đoạn trước 2022.
Dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng khoảng 10,7% vào cuối quý III/2024, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,9% và 7,8% tổng dư nợ. Phân khúc tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 9 tháng (+16% so với đầu năm) nhờ một số dự án nhà ở đủ điều kiện triển khai và mở bán. Trong khi đó, tín dụng cấp cho lĩnh vực xây dựng đặc biệt là xây dựng hạ tầng tăng khiêm tốn do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
VCBS dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2025 nhờ thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực và các khó khăn về pháp lý dần được tháo gỡ, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội, trong điều kiện tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp.
Chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, từ đó thúc đẩy cầu vay mua nhà để ở, đầu tư. Tuy nhiên, một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào 2025- 2026, đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.
Thanh Hoa