Tín dụng tăng trưởng âm, tổng tài sản hệ thống ngân hàng bốc hơi hơn 327.000 tỷ đồng

Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 giảm 327.488 tỷ đồng so với cuối tháng trước, trong bối cảnh tín dụng tháng 7 tăng trưởng âm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/7/2023 ở mức hơn 18.442.412 tỷ đồng, giảm 327.488 tỷ đồng so với cuối tháng 6, tương đương giảm 1,7%.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giảm hơn 157.000 tỷ so với cuối quý 2, xuống còn 7,501 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 2,1%), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm gần 127.200 tỷ đồng xuống còn gần 8,382 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 1,5%); nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng sụt giảm gần 45.200 tỷ đồng, xuống còn 1,72 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các công ty tài chính giảm 6.000 tỷ đồng, còn 287.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 3 nhóm ngân hàng ghi nhận tổng tài sản tăng so với cuối quý II là Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã khi ghi nhận tổng tài sản tăng lần lượt 6.500 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng.

-8481-1693975797.jpg

Việc tổng tài sản của hệ thống ngân hàng sụt giảm mạnh trong tháng 7 là do quy mô tín dụng toàn ngành (cấu phần lớn nhất của tổng tài sản) tăng trưởng âm so với tháng trước.

Việc tổng tài sản của ngành ngân hàng sụt giảm mạnh trong tháng 7 là do quy mô tín dụng toàn ngành (cấu phần lớn nhất của tổng tài sản) tăng trưởng âm so với tháng trước.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6.

Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 9,54%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên tới 14-15%.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, bản thân ngành ngân hàng, bằng những hành động cụ thể cùng với chính sách tiền tệ tín dụng đang triển khai đã rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng khi thị trường, nền kinh tế khởi sắc với những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, để chính sách tiền tệ tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, vẫn cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan về tài chính, thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh… Điều này sẽ tạo những hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực đối với các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo đó, cầu tín dụng sẽ tăng khi các hoạt động này được cải thiện và tăng trưởng. Đặc biệt, đầu tư và tiêu dùng sẽ là các lĩnh vực sẽ phục hồi tốt hơn nếu phát huy các giải pháp đồng bộ và hành động quyết tâm, phối hợp hiệu quả chính sách và thực hiện toàn diện.

Thanh Hồng

Lượt xem: 5
Tin liên quan