Rủi ro ‘bủa vây’, ngân hàng tiếp tục chạy đua tăng vốn

Một bộ đệm vốn dày với hệ số an toàn vốn (CAR) lý tưởng là đích nhắm của nhiều ngân hàng để tăng sức chống chịu, sẵn sàng đối phó với các biến cố, đồng thời nhằm củng cố nội lực, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11 - 12%.

Bộ đệm vốn còn thấp

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính tới tháng 12/2022, CAR của khối các ngân hàng TMCP áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận chuẩn mực quốc tế Basel II đạt 12,01%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP nhà nước và nước ngoài lần lượt đạt 9,16% và 19,16%.

Theo Chứng khoán VNDirect, hệ số CAR đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

-1787-1684498406.jpg

Một bộ đệm vốn dày với hệ số CAR lý tưởng là đích nhắm của nhiều ngân hàng, nhằm củng cố nội lực và các mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bước sang giai đoạn áp dụng chuẩn mực quản trị rủi to Basel III được ghi nhận như: LienVietPostBank, VPBank, ACB, TPBank…

Một số ngân hàng đang duy trì được hệ số CAR cao như: Techcombank (15,2%), HDBank (13,40%), VIB (12,7%), LienVietPostBank (12,36%) và MB (11,5%)...

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đánh giá, mặc dù hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, nhưng "bộ đệm" vốn vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Ðặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với các ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines: 17,2%; Singapore: 17,1%; Thái Lan: 19,6%; Malaysia: 18,5%).

Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đang rất “khát” vốn, đang ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng TMCP khác.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank mong muốn ngân hàng tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định (8%).

Hỗ trợ tăng trưởng dài hạn

Trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng chịu áp lực thu hẹp do chi phí vốn tăng cao trong năm 2022 và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm nay, một bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng giảm sốc khi môi trường vĩ mô và kinh doanh dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023.

Thực tế, không chỉ ngân hàng có vốn nhà nước quyết liệt tăng vốn, các ngân hàng tư nhân có CAR đang ở ngưỡng an toàn vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc và thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã đạt thành công thương vụ bán 15% vốn cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản). Theo đó, nhà băng này đã bổ sung thêm gần 36 nghìn tỷ đồng vào vốn cấp 1, qua đó tăng cường bộ đệm vốn và nâng hệ số CAR lên mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại.

Theo tính toán của Công ty chứng khoán VNDirect, CAR của VPBank hiện đã tăng tương ứng lên hơn 20%.

Còn Công ty chứng khoán HSC nhận định trong một báo cáo phát hành gần đây: “Hệ số CAR cao sẽ là yếu tố tích cực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của VPBank và có vai trò rất quan trọng đối với một ngân hàng thương mại có khẩu vị rủi ro cao hơn bình quân trong môi trường kinh doanh nhiều khó khăn như hiện nay”.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: "Hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng tiến tới các chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống trong ngân hàng".

CAR cao là minh chứng cho năng lực của ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả có thời hạn và các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác. Thậm chí, cho dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng mạnh như thế nào thì khi CAR tốt, ngân hàng vẫn còn thừa vốn để giải quyết tất cả tình huống nợ xấu xảy ra.

Huyền Anh

Lượt xem: 3
Tác giả: Bộ đệm vốn còn thấp
Tin liên quan