Ngân hàng tuần qua: Lãi suất xuống dưới 8%, dân thừa tiền dồn gửi ngân hàng
Làn sóng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại 3 tháng nay diễn ra sôi nổi và đến nay vẫn chưa dừng. Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm khá mạnh.
Bế tắc làm ăn, dân dồn tiền gửi vào ngân hàng nhiều hơn
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng giảm có nguyên nhân từ nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế. Trong 2 tháng đầu năm, tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (tương đương giảm 5,68%). Đây là mức giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây
Điều này phần nào phản ánh sự khó khăn của các doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Không ít khách hàng đã phải đã hạn chế việc vay vốn do lãi suất tăng cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải rút bớt tiền gửi ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã rút ròng hơn 338 nghìn tỷ đồng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, số dư giảm xuống còn 5,61 triệu tỷ đồng.
Cùng với đó, dòng tiền vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng co hẹp lại.
Trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh thì tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư lại bật tăng. Kể từ khi lãi suất huy động bật tăng mạnh từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5,61 triệu tỷ đồng).
Nguyên nhân khiến tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tăng mạnh là do lãi suất tiết kiệm lên cao.
Thị trường cạn tiền, ngân hàng tính cách thu nghìn tỷ để tăng vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank).
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank và BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với Agribank, ngày 25/4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này. Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.
Với Vietcombank, tại ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank triển khai 3 nội dung: tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua; tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Còn BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 theo 2 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022; vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng. Đợt 2, BIDV phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.
ĐHĐCĐ của VietinBank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023. Nếu các kế hoạch tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 48.058 tỷ đồng lên 66.030 tỷ đồng.
Như vậy, các phương án tăng vốn điều lệ nếu được thực hiện thành công, vốn điều lệ của nhóm NHTM nhà nước sẽ tăng mạnh trong năm 2023.
Ở khối NHTM cổ phần, việc tăng vốn điều lệ diễn ra sôi động hơn. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.
Lãi suất vay mua nhà ở xã hội giảm xuống mức 4,8%/năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tuần qua đã ký Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ởlà 4,8%/năm.
Lãi suất này áp dụng từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.
Trước đó, các ngân hàng thương mại triển khai cho vay mua nhà ở xã hội từ năm 2013 với mức lãi suất vay 6%/năm.
Đến năm 2019, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm xuống còn 5%/năm. Và từ năm 2021 đến hết năm 2022, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội được duy trì ở mức 4,8%/năm. Từ 1/1/2023, mức lãi suất này chính thức tăng lên 5%/năm. Tuy nhiên, từ hôm nay, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm xuống mức 4,8%/năm.
Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.
Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiêp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kì.
NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
NHNN là một trong số các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06. Đến nay, dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ tháng 12/2022. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…
Thời gian qua, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực. 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.
Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.
Vẫn còn dư địa, chờ một đợt giảm lãi suất điều hành xuống sâu hơn
Trong khi đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại thì Việt Nam lại đi ngược lại xu hướng khi thực hiện giảm lãi suất điều hành đến 2 lần trong vòng chỉ nửa tháng. Dù vậy, với áp lực hỗ trợ tăng trưởng khi kinh tế nhiều dấu hiệu đi xuống, nhiều dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới.
Tại diễn đàn về ngân hàng mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, hiện nay là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi.
Nói về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trình Quốc hội chủ trương tăng vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Trình bày Tờ trình đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
“Nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank”, ông Sơn trình bày.
Báo cáo thẩm tra việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Qua đó, sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định; củng cố mức tín nhiệm do các tổ chức tín nhiệm quốc tế xếp hạng.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Lãi suất thêm 1 đợt giảm mạnh, lộ trình từ đỉnh 10% xuống dưới 8%
Làn sóng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại 3 tháng nay diễn ra sôi nổi và đến nay vẫn chưa dừng. Mấy ngày gần đây, các ngân hàng liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm khá mạnh.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố giảm suất huy động từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy ở kỳ hạn từ 1-2 tháng được Vietcombank giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống mức 5,1%/năm. Còn đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Không riêng Vietcombank hay Agribank, lãi suất huy động tại một số ngân hàng khác cũng giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Gần đây, lãi suất huy động trên thị trường đã ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Trong đó, lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng tư nhân ngày càng nới rộng đà giảm trong khi lãi suất nhóm ngân hàng quốc doanh giảm thấp hơn.
Từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao, từ đầu tháng 2 đến nay, các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-2% ở tất cả kỳ hạn.
Khảo sát biểu lãi suất huy động của hơn 30 ngân hàng trong sáng 13/5 cho thấy, mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được ghi nhận tại ABBank. Mức lãi suất trên 8,5% cũng chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng là Viet A Bank (8,7%/năm) và VietBank (8,6%/năm).
Đáng chú ý, một nửa trong các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm.