Phát triển tài chính toàn diện cần cái bắt tay giữa Fintech và ngân hàng

Việc hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech) sẽ mở rộng kênh tiếp cận vốn chính thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân qua các app, nhằm góp phần hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sớm ban hành khung pháp lý cho Fintech phát triển.

Việt Nam đang được đánh giá có bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Song, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, người dân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ. Do đó, nhiều người phải tìm đến kênh vay “nóng” bên ngoài.

62% dân số nông thôn khó tiếp cận tín dụng 

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện có khoảng 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán, tăng mạnh từ mức 31% của giai đoạn 2015-2017.

Trong một hội thảo về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa khi nào tài khoản ngân hàng lại nhiều như hiện nay, một người dân có khi có đến mấy tài khoản, thẻ ngân hàng. Bình quân mỗi người dân vài cái thẻ ngân hàng nhưng không dùng hết, đây một sự lãng phí xã hội rất lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể cứng nhắc ngăn cản được khi ngân hàng nào cũng phát hành.

-6546-1732792550.jpg

Nhu cầu vay vốn ngắn hạn trong xã hội là rất lớn.

NHNN cho rằng đây là tất yếu của kinh tế thị trường có cạnh tranh, phát triển xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.

"Các sản phẩm dịch vụ tài chính mới với nhiều công nghệ mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra "con đường mới" cho các doanh nghiệp tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô", lãnh đạo NHNN nói.

Dù vậy, các chuyên gia thừa nhận tiến trình tài chính toàn diện vẫn còn phải đối mặt với những thách thức. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thống.

Tại sự kiện giới thiệu Báo cáo "Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với tổ chức tín dụng" tổ chức ngày 28/11, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị EY Việt Nam, cho biết theo khảo sát của EY, đối với nhóm đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, có đến 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.

Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nổi lên như một “cứu tinh”, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần MISA chia sẻ, các ngân hàng truyền thống thường đặt ra nhiều yêu cầu với khách hàng vay vốn, nhất là với cá nhân, doanh nghiệp chưa có lịch sử tín dụng, chưa có dòng tiền được ghi nhận qua ngân hàng. Trong khi đó, nhờ lợi thế về công nghệ và khả năng thu thập, phân tích dữ liệu, Fintech không đòi hỏi tài sản thế chấp mà dựa vào thông tin tài chính và hành vi khách hàng để thẩm định khả năng tín dụng, từ đó đưa ra quyết định cho vay.

Theo ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MB, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng, nguyên nhân là không có tài sản thế chấp, hồ sơ tín dụng không rõ ràng, thủ tục phức tạp, thời gian giải ngân chậm… 

Hợp tác để đẩy lùi tín dụng đen

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để “đấu lại tín dụng đen” cần thêm những cú bắt tay giữa Fintech và ngân hàng. Bà Dương khuyến nghị các công ty Fintech không chỉ tập trung vào dịch vụ thanh toán, bởi nhiều công ty Fintech có tiềm năng hỗ trợ trong các lĩnh vực khác như chấm điểm tín dụng người dùng, cho vay ngang hàng (P2P Lending)…

Do vậy, các công ty Fintech cần hợp tác chặt chẽ với ngân hàng để đơn giản hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ.

Đồng tình ý kiến này, ông Vũ Thành Trung cho biết, các công ty Fintech có thể hỗ trợ thêm nguồn dữ liệu cho ngân hàng. Nhờ đó, ngân hàng xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng, đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp, triển khai cho vay với lãi suất hợp lý.

"Lãi suất cho vay của ngân hàng và công ty Fintech ra thị trường chắc chắn thấp hơn các tiệm cầm đồ, tín dụng đen. Như hiện tại, lãi suất MB cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh có mức thấp nhất là 5-5,5%/năm", ông Trung thông tin.

Thực tế, thời gian qua, thị trường chứng kiến những “cú bắt tay” giữa ngân hàng và Fintech rất hiệu quả như Công ty DMSpro (chủ ứng dụng Bonbon shop) cùng Ví điện tử SmartPay và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo đó, nguồn vốn cho tiểu thương được cấp bởi VPBank Commcredit, triển khai thông qua giải pháp công nghệ thanh toán của SmartPay.

Ông Phạm Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT DMSpro, cho biết sự hợp tác trên giúp việc thanh toán giữa nhà sản xuất và các điểm bán lẻ trở nên dễ dàng hơn. Các nhà bán lẻ có cơ hội xoay xở nguồn vốn để mua hàng hóa từ nhà sản xuất.

Hay như ACB đã hợp tác với hàng loạt ví điện tử giúp khách hàng tiếp cận với đa dạng tiện ích thanh toán như: MoMo, ZaloPay, ShopeePay, AppotaPay hay Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTKPay).

Bà Dương cho rằng, tài chính toàn diện vẫn còn là chặng đường dài. Việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các công ty Fintech, phát triển sâu rộng mô hình ngân hàng mở, và nâng cao trình độ hiểu biết về tài chính, là các hoạt động cấp thiết hiện nay.

“Khung pháp lý cần được củng cố và mở rộng, đặc biệt với việc phê duyệt và triển khai của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới”, bà Dương kiến nghị.

Thanh Hoa

Lượt xem: 2
Tác giả: 62% dân số nông thôn khó tiếp cận tín dụng 
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật