Nhiều ngân hàng khó hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng

Lường trước những khó khăn, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tái cơ cấu danh mục theo hướng giảm các tài sản rủi ro cao, phát triển mảng bán lẻ hiện đại, tăng các khoản thu phi tín dụng... nhằm duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, một số ngân hàng dự báo khó hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, với các ngân hàng lớn hiện đã thực hiện được 70 - 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm thì việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 không quá khó. Ngược lại, các nhà băng quy mô vừa và nhỏ không dễ đạt được mục tiêu, do sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, rủi ro nợ xấu gia tăng, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động...

Hụt hơi lợi nhuận

Theo khảo sát của VnBusiness tại báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, trong 9 tháng đầu năm có 16/28 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh; 14 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ và 1 ngân hàng thậm chí còn báo lỗ.

Đáng chú ý, các ngân hàng lợi nhuận sụt giảm đa số có quy mô nhỏ. Như tại NCB, trong quý III vừa qua, lợi nhuận sau thuế lũy kế giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ các năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý chỉ ghi nhận lãi 7 tỷ đồng.

-2446-1700193691.png

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế của VietABank đạt hơn 592 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, tương đương 46% kế hoạch cả năm.

BaoVietBank báo lãi trước thuế quý III vẻn vẹn hơn 9 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III chạm mốc 3,98% buộc nhà băng này phải trích lập dự phòng gần 300 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, BaoVietBank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 623 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần so cùng kỳ, khiến lãi trước thuế chỉ còn gần 34 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 3 quý đầu năm, ngân hàng mới thực hiện được 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm (95 tỷ đồng).

Tại ABBank, thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đạt 2.215 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 2,88% hồi đầu năm lên 3,51% vào cuối tháng 9, vì thế, Ngân hàng phải dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, ABBank chỉ còn lãi hơn 708 tỷ đồng trước thuế sau 3 quý đầu năm, giảm 59% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lợi nhuận 2.826 tỷ đồng đề ra cho năm nay, nhà băng này mới thực hiện được 25%.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBank, tuy vậy, Ngân hàng đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, kiên trì cải thiện các mảng hoạt động. Hiện, ABBank cũng chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.

Tại VietABank, có đến 96% nợ xấu có khả năng mất vốn nên trích lập dự phòng rủi ro "ăn mòn" lợi nhuận. Lãi trước thuế quý III/2023 của Ngân hàng chỉ đạt hơn 63 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế của VietABank đạt hơn 592 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, tương đương 46% kế hoạch cả năm.

Tương tự, sau 9 tháng, VietBank mới thực hiện được gần 44% kế hoạch lãi trước thuế cả năm (ở mức 960 tỷ đồng). Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng giảm tới 58% so với cùng kỳ, chỉ còn trích lập gần 89 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 32%, còn hơn 507 tỷ đồng, nên lãi trước thuế trong 3 quý chỉ đạt gần 419 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ năm trước.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tuy các ngân hàng chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh 2023, song khả năng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ tăng trưởng trên dưới 10% so với năm 2022. Nguyên nhân căn bản là tín dụng khó đạt mục tiêu ngành đề ra là 14%, mà chỉ có thể đạt khoảng 10 - 12%.

Giải pháp nào để ứng phó?

Trước đó, lãnh đạo các ngân hàng cũng đã lường trước được tình huống nguồn thu từ cho vay sẽ không dễ dàng nên đã có những phương án ứng phó như liên tục tìm cách đa dạng cơ cấu nguồn thu, tăng các khoản thu phi tín dụng, từ các dịch vụ tài chính, để đảm bảo cơ cấu doanh thu bền vững hơn.

"Năm 2023 là năm khó khăn cho nền kinh tế, do đó NIM cho vay sẽ thu hẹp lại so với năm 2022. Chúng tôi cũng cố gắng chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí hoạt động, chăm sóc khách hàng khác để bù lại NIM đã giảm trong năm 2023. Với các mục tiêu đó, chúng tôi hy vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 sẽ đạt được 15%", ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc MB cho biết.

Việc chuyển đổi số giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vận hành, dựa vào dữ liệu cá nhân hoá trải nghiệm để hỗ trợ tối đa khách hàng. Vì vậy, chiến lược của MB vẫn không thay đổi, tập trung vào phân khúc bán lẻ và đẩy mạnh số hoá.

Trong khi đó, ông Jens Lotter, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ: "Những gì chúng tôi đã làm trong vài năm qua là đưa công nghệ vào toàn bộ các giai đoạn, từ dữ liệu đến trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng kết nối các lớp khác nhau để tạo ra trải nghiệm liền mạch dành cho tất cả khách hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp".

Dù vậy, Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng 17/27 ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận toàn ngành sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện.

Theo góc nhìn của chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, dự báo sẽ kéo dài sang đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng cần tìm phương án cho vay tín chấp, thay vì chủ yếu cho vay thế chấp như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ nói riêng, cần được bảo lãnh tín dụng để có thể đi vay được, qua đó có đủ nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm “vốn mồi” cho cả nền kinh tế với quy trình, thủ tục thông thoáng để giải ngân nhanh chóng. Và một hiện tượng đã được Quốc hội đề cập, đó là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức có thẩm quyền cần được nâng cao hơn.

"Các ngân hàng cũng rất nên tính toán điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay. Mức chuẩn của lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đâu đó khoảng 10%, nhưng báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy rất cao, lên tới hơn 20%. Với mức lợi nhuận cao như vậy, tôi đặt nghi vấn là có thực chất không?", ông Hiếu nói.

Huyền Anh

Lượt xem: 13
Tác giả: Hụt hơi lợi nhuận
Tin liên quan