Ngành Ngân hàng Khu vực 15: Kết nối tín dụng nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Với thế mạnh là kinh tế nông lâm thủy hải sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Ngân hàng Khu vực 15 quyết đẩy mạnh kết nối tín dụng lĩnh vực nông, lâm thủy hải sản đến người dân và doanh nghiệp tiếp cận vay vốn dễ dàng thuận tiện để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Kết nối tín dụng nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nguồn: Internet
Để nhanh chóng thích ứng với phân cấp quản lý nhà nước trong mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng mã số vùng trồng, hướng tới minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đi các nước.
Bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 cho thấy, tín dụng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản dư nợ đạt 70.460 tỷ đồng, tăng 1,63% so cuối năm 2024, chiếm 15,2% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15. Trong đó: 4 tỉnh có dư nợ tín dụng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là Kiên Giang đạt 20.516 tỷ đồng; An Giang là 20.543 tỷ đồng; Đồng Tháp 15.457 tỷ đồng và Cà Mau 15.457 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 chia sẻ, hiện nay tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 276.504 tỷ đồng, tăng 3% so cuối năm 2024, chiếm 59,7% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15.
Với kết quả đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ông Phước phân tích thêm, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng đầu tư vào chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử, khó khăn trong cung ứng vốn giá rẻ, dài hạn. Hiện nguồn vốn chính để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khu vực này là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, có kỳ hạn ngắn, lãi suất thị trường. Khó khăn còn đến từ việc cho vay không có tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, năng lực quản trị của một bộ phận khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, phương án sản xuất kinh doanh còn chưa thuyết phục; khả năng quản lý được dòng tiền trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn gặp nhiều khó khăn…
Bên cạnh đó, còn các vướng mắc khác như biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…
Để hỗ trợ triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, ông Phước cho rằng, cần các giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, như: chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững... “Trong đó, cần xem xét mở rộng đối tượng được bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm đối với người nông dân canh tác với diện tích lớn, tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa”, ông Phước lưu ý thêm.
Trước những khó khăn trong hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 cũng mạnh dạn kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, thời gian vay dài hơn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích ngành Ngân hàng tập trung cung cấp tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn; tạo môi trường thu hút các ngân hàng mở rộng thêm nhiều địa điểm giao dịch phục vụ cung cấp tín dụng cho người dân.
Thực tế, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bức tranh toàn diện đó, vai trò vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”, đã và đang khẳng định vị thế tiên phong trong việc cung ứng nguồn vốn, giải pháp tài chính và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thông qua các chương trình, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.