Ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn nới mạnh room tín dụng

Theo thông lệ hàng năm vào cuối quý I, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hoàn tất việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Năm nay, các doanh nghiệp cũng như ngân hàng đều kỳ vọng cơ quan quản lý nới mạnh room để mở rộng kinh doanh.

Bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia Phân tích cao cấp, Khối Khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán HSC, dự báo tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 2 năm tới sẽ ở mức khoảng 14%/năm, gấp đôi tăng trưởng GDP. Trong đó, các ngân hàng tư nhân sẽ có xu hướng được cấp tín dụng cao hơn các ngân hàng quốc doanh.

Thúc đẩy cung - cầu tín dụng

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2022 mới đây, Nhóm công tác ngân hàng của VBF đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cần thiết.

room-tin-dung-jpeg-8607-1646234940.jpg

Dự báo các ngân hàng tư nhân sẽ có xu hướng được cấp tín dụng cao hơn các ngân hàng quốc doanh.

Không chỉ có VBF, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BitCham) cũng đánh giá thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho năm 2022 và trong tương lai trung hạn. “Các công ty sẽ bắt đầu chu kỳ vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh của họ do nhiều người đã giữ tiền mặt trong 2 năm qua hoặc sẵn sàng đi vay nhiều hơn để đầu tư dựa trên khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai”, BitCham nhận định. 

Vì vậy, tổ chức này kiến nghị, Việt Nam cần linh hoạt hơn trong việc trao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để mở rộng kinh doanh thời kỳ hồi phục kinh tế sau dịch. 

Từ thực tế các ngân hàng Anh đang hoạt động tại Việt Nam, BitCham cho rằng năm nay nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ triển khai dự án ở Việt Nam, nên hạn mức tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng cần nhiều hơn. “NHNN cần có những quy định linh hoạt hơn cho phép các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty với giới hạn cho vay lớn hơn mức họ đã đưa ra trước đây”, BitCham nêu.

Trong khi đó, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhấn mạnh: "Dù chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam cũng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu".

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lạc quan đánh giá năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.

Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% của Chính phủ. 

“Các gói hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Khi điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy cung-cầu về tín dụng”, VDSC nhận định.

Tín dụng sẽ tăng mạnh vào cuối năm

Thực tế, dư nợ tín dụng đã bứt phá ngay từ đầu năm cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế khá tích cực. Đó là chưa kể gói cấp bù lãi suất 2% đối với những doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và có khả năng phục hồi tăng trưởng dự kiến có hiệu lực trong thời gian tới. Như vậy, khả năng tín dụng sẽ còn tăng mạnh trong những tháng tiếp theo.

Tại Hội thảo Chính sách tiền tệ mở rộng và cơ hội cho ngành ngân hàng vừa được tổ chức, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chia sẻ, thông thường, NHNN khá thận trọng trong việc cấp room tín dụng đầu năm. Tuy nhiên, bà Hương kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, room tín dụng sẽ được nới ra theo nhu cầu tín dụng.

Giám đốc chiến lược của VIB nhấn mạnh, các ngân hàng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến việc room tín dụng cao bao nhiêu, mà còn cần quan tâm đến việc room tín dụng được sử dụng như thế nào.

Chẳng hạn như tại VIB sẽ dành 90% room tín dụng cấp cho mảng bán lẻ. Hiện nay, 90% dư nợ tín dụng của VIB là bán lẻ, so với mức trung bình ngành khoảng 35-40%. Theo bà Hương, nhờ việc dồn toàn bộ nguồn lực cho mảng bán lẻ nên chỉ số CAMELS (các chỉ tiêu cấu thành hệ thống xếp hạng đối với một ngân hàng) của VIB được cải thiện rất tích cực và luôn nằm trong top các ngân hàng được cấp room tín dụng cao. Trong vòng 5 năm qua, doanh số mảng bán lẻ của VIB tăng 7 lần nhưng lợi nhuận tăng tới 31 lần.

Thực tế những năm qua, hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho mỗi tổ chức tín dụng không cố định, mà định kỳ NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu trên cơ sở xem xét các yếu tố trên cũng như tình hình hoạt động năng lực tài chính và khả năng tăng tín dụng lành mạnh của tổ chức đó trong tương lai.

Bên cạnh đó, NHNN luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đưa vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời giám sát chặt tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Huyền Anh

Lượt xem: 305
Tác giả: Thúc đẩy cung - cầu tín dụng
Tin liên quan