Techcombank 'bơm' 250 tỷ đồng cho chuỗi cà phê Phúc Long

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho CTCP Phúc Long Heritage (Phúc Long).

Khoản tín dụng này có thời hạn 12 tháng, nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Techcombank cũng cấp thêm hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng cho Phúc Long để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là khoản tín dụng có thời hạn 12 tháng. Trong đó bao gồm hạn mức bảo lãnh tối đa là 30 tỷ đồng; hạn mức tín dụng ngắn hạn là phần còn lại của 100 tỷ sau khi trừ số dư bảo lãnh.

IMG-6924-800x534-jpeg-3900-1645679221.jp

Techcombank phê duyệt cấp khoản tín dụng 250 tỷ đồng vào chuỗi cà phê Phúc Long của Masan.

Thành viên của Tập đoàn Masan, công ty TNHH The Sherpa là đơn vị bảo lãnh cho khoản vay của Phúc Long tại Techcombank. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ chịu toàn bộ nghĩa vụ tài chính của Phúc Long phát sinh từ các hợp đồng tín dụng đã được ký kết giữa Phúc Long và Techcombank.

Tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long. Ông Lâm Bội Minh, cổ đông sáng lập của Phúc Long cho rằng "sự đồng hành cùng Masan sẽ giúp thương hiệu Phúc Long đạt được sự phát triển ở tầm cao mới"...

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc WinCommerce, kỳ vọng việc hợp tác sẽ "đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới", giúp chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" mà Masan đang hướng tới ngày càng tiệm cận thực tế.

Về mối liên hệ giữa Masan và Techcombank, Masan hiện đang sở hữu 19,9% vốn điều lệ của Techcombank và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Tập đoàn Masan do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT. Đây là tập đoàn hàng tiêu dùng nổi tiếng với một số nhãn hàng "không thể thiếu" trong gian bếp của người Việt như nước mắm, nước tương, tương ớt Chin-Su, nước mắm Nam Ngư...

Ngoài ra, công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, khai thác mỏ, ngân hàng.

Trong cơ cấu cổ đông của Techcombank, Tập đoàn Masan đang đóng vai trò là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 19,9% vốn điều lệ. Hiện tại, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang giữ vị trí Phó Chủ tịch tại ngân hàng này. Trong khi trước đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank từng có thời gian giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Masan Group.

Bộ ba Hồ Hùng Anh - Nguyễn Đăng Quang - Nguyển Cảnh Sơn (Chủ tịch tập đoàn TM Trans) có mặt ở cả 3 doanh nghiệp: Masan, Techcombank và TM Trans.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020. Không tính doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần trong năm tài chính 2021 tăng trưởng 16,6%.

Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hợp nhất năm tài chính 2021 đạt 16.361 tỷ đồng, tăng 58,1% trong khi biên EBITDA đạt mức 18,5% so với 13,4% của năm 2020. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ EBITDA nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (The CrownX) tăng trưởng 72,9%.

Đặc biệt, mảng kinh doanh mới, Masan dự kiến trong năm 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.

Huyền Anh

Lượt xem: 251
Tác giả: Huyền Anh
Tin liên quan