Ngân hàng nhộn nhịp “phát tiền” đầu năm, sóng tiền có còn tiếp diễn?
Chỉ trong những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và cả tiền mặt.
Ngân hàng cấp tập trả cổ tức
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) công bố 19/01/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền chốt danh sách cổ đông hưởng tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 6% (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ nhận được 600 đồng).
Với gần 2.54 tỷ cp đang lưu hành, ước tính VIB sẽ phải chi hơn 1,520 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Ngày chi trả dự kiến là 21/02/2024.
Phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền của VIB đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Phương án được xây dựng dựa trên lợi nhuận đạt được của VIB trong 3 quý đầu năm 2023.
Trong năm 2023, VIB cũng là ngân hàng đã chi cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 15%, được chia thành 2 lần tạm ứng. Ngày 03/03/2023, VIB đã tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, đến ngày 05/05/2023 tạm ứng lần 2 với tỷ lệ 10%. Tổng số tiền chi cổ tức trong năm qua của VIB lên đến 2,108 tỷ đồng.
Song song đó, VIB cũng đã hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, đưa vốn điều lệ tăng lên mức 25,292 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, HNX: BAB) thông báo 11/01/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 7.5% (cổ đông sở hữu 1,000 cp được nhận 75 cp mới).
Theo đó, BAB dự kiến phát hành hơn 62.5 triệu cp với tỷ lệ 7.5% cho cổ đông. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 625 tỷ đồng.
Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2023 của BAB, sau khi đã trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được ĐHĐCĐ thông qua. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của BAB sẽ tăng từ 8,334 tỷ đồng lên 8,959 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2023 của SaigonBank đã thông qua việc trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Theo đó, SaigonBank dự kiến phát hành 30.8 triệu cp để trả cổ tức, mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Lần gần nhất Saigonbank tăng vốn điều lệ là vào năm 2012, khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Saigonbank giữ nguyên mức 3,080 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đã chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cp nhận được 1,000 đồng).
Không chỉ VPBank, trong năm 2023, đã có nhiều ngân hàng chia cổ tức tiền mặt. Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã chi gần 8,444 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức 2022, tổng tỷ lệ 25%, trong đó gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Hay như Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB) đã hoàn tất chia cổ tức năm 2022 trong năm qua với tổng tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của HDBank tăng từ 25,303 tỷ đồng lên trên 29,076 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dành khoảng 3,000 tỷ đồng trong phần vốn tăng thêm để bổ sung nguồn vốn cho vay trung - dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) cũng là một trong những nhà băng đã chi trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2023. ĐHĐCĐ năm 2023 của MB đã thông qua phương án chia cổ tức cho cổ đông với tổng số tiền tương đương 9,067 tỷ đồng, trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% (6,800 tỷ đồng) và tiền mặt tỷ lệ 5% (2,267 tỷ đồng). Sau khi thực hiện xong đợt phát hành cổ phiếu, MB đã tăng vốn điều lệ từ 45,339 tỷ đồng lên 53,683 tỷ đồng. Với việc tăng vốn này, Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10-15%.
Sóng tiền có còn tiếp diễn?
Cổ tức năm 2023 sẽ dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022 và đã được ĐHĐCĐ năm 2023 của các ngân hàng thông qua. Tuy nhiên, trước tình hình kết quả kinh doanh năm 2023 không mấy khả quan, liệu rằng kế hoạch trả cổ tức của các ngân hàng trong năm nay có bị ảnh hưởng?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ trả cổ tức ngân hàng năm 2023 đang dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022. Mặc dù cuối năm 2022 chịu ảnh hưởng một phần từ sự kiện SCB - Vạn Thịnh Phát, nhưng tổng thể kết quả kinh doanh vẫn tốt, do tín dụng vẫn tăng trưởng.
Tuy nhiên, sang năm 2023, câu chuyện chuyển biến khác. Tình hình kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều bởi các sự kiện thế giới. Các khoản nợ cần phải xử lý từ vụ án Vạn Thịnh Phát cũng ảnh hưởng. Do đó, “các ngân hàng sẽ không trả cổ tức cao hoặc thậm chí là không trả cổ tức. Nếu có thì sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn”, ông Hiếu nhận định.
Thêm nữa, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào sức khỏe trên báo cáo tài chính ngân hàng. Muốn sức khỏe tốt, vốn điều lệ của các ngân hàng cũng phải tăng trưởng. Vì vậy, các ngân hàng cũng sẽ ưu tiên trả cổ tức bằng cổ phiếu để làm tăng vốn.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023 và kế hoạch này sẽ khó thay đổi. Nếu có xảy ra, kế hoạch chi trả cổ tức sẽ được điều chỉnh ở mức độ nhẹ nhàng. Còn với kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch chi trả cổ tức sẽ được thông qua tại ĐHĐCĐ 2024.
Mới đây, Techcombank (TCB) cũng đã hé lộ kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt dài hạn, dự kiến trình ở ĐHĐCĐ 2024 vào tháng 4 tới, dựa trên kết quả kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận những năn qua.
Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm, hay 4-5% vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm đầu năm, tương đương khoảng 1,500 đồng/cổ phiếu. Phía Techcombank tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15%, là hoàn toàn khả thi.
Tổng Giám đốc Techcombank - ông Jens Lottner khẳng định: “Chiến lược chuyển đổi và kết quả kinh doanh khả quan trong một năm 2023 khá khó khăn một lần nữa khẳng định sức mạnh nội tại của Ngân hàng, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng trong những năm tới. Qua đó cho phép Ngân hàng lên kế hoạch chiến lược cổ tức tiền mặt lâu dài cho cổ đông”.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng, kế hoạch chi trả cổ tức sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của ngân hàng. Kết quả kinh doanh năm 2023 không tốt bằng năm 2022 nên nhiều khả năng ngân hàng sẽ không chia cổ tức, nếu có thì tỷ lệ chia sẽ thấp hơn năm trước.
Tùy vào chiến lược, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Tuy nhiên, với tình hình giá cổ phiếu ngân hàng đang khá cao, ở góc độ cổ đông sẽ thích được trả cổ tức bằng cổ phiếu hơn tiền mặt như trước đây. Các ngân hàng cũng sẽ cân nhắc vấn đề này, vì nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn vẫn quay lại để tái đầu tư kinh doanh cho ngân hàng. Thế nhưng, khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thì số lượng cổ đông sẽ tăng lên, có thể làm pha loãng cổ phiếu ngân hàng, gia tăng số lượng cổ đông.