Ngân hàng cho vay gần 120 nghìn tỷ trong 9 ngày: Tín dụng đã thoát cảnh ảm đạm?

Hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng đã được cải tiến mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh cho vay thế chấp, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp, nhờ đó tăng trưởng tín dụng cũng cải thiện đáng kể.

Sau nhiều tháng ảm đạm, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế.

Cầu vốn dần trở lại

Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng Nhà nước tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 (6,1-6,2%).

Trước đó, cơ quan quản lý từng cho biết đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng.

-4262-1696521429.jpg

Các ngân hàng bắt đầu tăng "bơm tiền" vào nền kinh tế, theo đó dự báo tăng trưởng tín dụng đến cuối năm nay sẽ đạt khoảng 12%.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14%. Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được cắt giảm so với đầu năm (mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân), các ngân hàng thương mại kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay.

Và để kích cầu vốn tín dụng trong quý còn lại của năm, các nhà băng không ngừng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Điển hình, Sacombank tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,5-1%. Theo đó, nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) sẽ được hưởng mức lãi suất thấp chỉ từ 7%/năm; khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua tô tô sẽ được hỗ trợ ưu đãi với lãi suất từ 8%/năm.

Trong khi đó, VPBank triển khai gói vay trị giá 13.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay mở rộng kinh doanh từ 5%/năm, mua nhà từ 5,9%/năm và mua xe chỉ từ 7%/năm. Mức 5%/năm hiện là mức lãi suất ưu đãi kỳ đầu thấp nhất trên thị trường.

Còn tại OCB áp dụng gói vay kinh doanh quy mô đến 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm. Với các khoản vay mua nhà, lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm và lãi suất vay mua ô tô từ 8,49%/năm...

Không chỉ khối tư nhân, các ngân hàng quốc doanh cũng áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà từ 7,3%/năm và khách hàng doanh nghiệp từ 6%/năm.

Thực tế, một số ngân hàng đẩy mạnh phân khúc cho vay tiêu dùng, góp phần cải thiện đáng kể tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, tại OCB đến cuối tháng 9/2023, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11% so với hạn mức được cấp cả năm là 13-14%; ACB cũng đang có xu hướng hồi phục trở lại, tăng trưởng tín dụng đạt 7% tính đến cuối tháng 8/2023 và dự kiến cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14%...

Tăng ưu đãi, cải tiến quy trình cấp tín dụng

Chia sẻ với VnBusiness, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang dần trở lại. Duy chỉ có cầu vốn cho vay mua nhà vẫn còn thấp, bởi thị trường bất động sản còn trầm lắng.

Điều này phù hợp với diễn biến trên thị trường thời gian qua. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc khi nhu cầu tín dụng của các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất -nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm.

Riêng với lãi suất cho vay mua nhà, mức lãi suất tại nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện nay giảm khá nhiều, đã ngang bằng với thời kỳ trước dịch Covid-19. Lãi suất cho vay mua nhà bình quân, nếu tính cả khuyến mãi vào khoảng 7-8%/năm, nếu không khuyến mãi vào khoảng 10%/năm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ còn giảm thêm, song mức giảm sẽ không mạnh so với mấy tháng trước, vì lãi suất đã giảm sâu. Đồng thời, ông dự báo tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ tăng tốc hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.

Kể từ tháng 9 đến nay, hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng đã cải tiến mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Điển hình như tại ACB, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu và công ty sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn, kèm các gói dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, ACB đẩy mạnh cho vay tín chấp, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể thế chấp bằng dòng tiền. "Chúng tôi quản lý dòng tiền xuất khẩu của doanh nghiệp, đây là hình thức vay thế chấp dòng tiền, hay nói cách khác là vừa ưu đãi vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm", đại diện ngân hàng thông tin.

Trong khi đó, Techcombank đang cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như giải quyết triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động của khách hàng. Điển hình là chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ đồng) cho nhóm khách hàng phi tín dụng hiện hữu đang có giao dịch tài khoản trên kênh ngân hàng số của Techcombank; Chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ đồng) thông qua khách hàng khai thác trên kênh đối tác...

Huyền Anh

Lượt xem: 5
Tác giả: Cầu vốn dần trở lại
Tin liên quan