Năm 2025: Ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu ưu tiên vốn tín dụng cho “tam nông”
Năm 2025, ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu xác định tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả trong triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình tín dụng 12.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Ông Lê Văn Măng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu chia sẻ, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025 và chấp hành nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên vốn cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng cần chủ động tiếp cận đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng và kịp thời có các giải pháp phù hợp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn mặn để khách hàng an tâm, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất.
Thực hiện tốt công tác thanh toán, luân chuyển vốn cho khách hàng đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn. Tập trung triển khai các biện pháp mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử, đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động ATM, POS; đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp, người dân và chấp hành nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước về công tác an toàn kho quỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản kho quỹ.
Thực hiện phương án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trong quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông về hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận đối với hoạt động ngành Ngân hàng…
Năm qua, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 12,05% so với cuối năm 2023. Các tổ chức tín dụng đã đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 14,34% so với cuối năm 2023.
Trong đó, đã ưu tiên đầu tư vốn cho các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh như: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 18.000 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu với dư nợ đạt 3.400 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với dư nợ đạt 9.000 tỷ đồng…