Lợi nhuận ngân hàng và vai trò của các tổ chức tín dụng
Lợi nhuận ngân hàng không chỉ phản ánh hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, làm cơ sở nền tảng để đảm bảo khả năng, năng lực cho các tổ chức tín dụng, cho hệ thống ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Ở góc độ quản trị kinh doanh, lợi nhuận là một trong chỉ số định lượng nhất phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và phụ thuộc vào 2 chỉ số: doanh thu và chi phí. Hai chỉ số này lại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, là nội hàm của việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực (vốn, lao động, công nghệ), trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, thị trường và cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh….
Đối với hoạt động ngân hàng, hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng, lợi nhuận mang lại cũng không nằm ngoài quá trình đó, nguyên tắc quản trị đó. Song có sự khác biệt với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, hoạt động ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ, với bản chất kinh doanh tiền tệ: các tổ chức tín dụng đi vay để cho vay, vì vậy có hẳn hệ thống pháp luật quy định riêng cho hoạt động ngân hàng đảm bảo phát huy vai trò định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân và tăng trưởng kinh tế, đồng thời an toàn và hiệu quả, nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia.
Với ý nghĩa như vậy, lợi nhuận ngân hàng không chỉ phản ánh hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, làm cơ sở nền tảng để đảm bảo khả năng, năng lực cho các tổ chức tín dụng, cho hệ thống ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đặt vấn đề như trên để thấy, việc cần thiết đạt được lợi nhuận trong hoạt động ngân hàng, cũng như yêu cầu phải đảm bảo tăng trưởng an toàn bền vững, có lợi nhuận để thực thi trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Do vậy, đối với lợi nhuận ngân hàng, rất cần có được sự nhìn nhận toàn diện, khách quan để từ đây các ngân hàng có điều kiện cùng doanh nghiệp đồng hành và phát triển, nhất là trong giai đoạn còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.
Kết quả hoạt động ngân hàng tốt, với việc đạt được lợi nhuận sẽ đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, cho ngành Ngân hàng thực hiện tốt hơn vai trò của định chế tài chính trung gian. Trong đó, nguồn thu lợi nhuận góp phần bổ sung tăng trưởng vốn, nâng cao năng lực tài chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, từ đó mở rộng và nâng cao khả năng đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sự khác biệt trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng so với các ngành, lĩnh vực khác là đòi hỏi rất cao về kết quả kinh doanh. Chỉ có kinh doanh hiệu quả, đạt được lợi nhuận, mới đảm bảo an toàn trong hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng và của ngành Ngân hàng. Ý nghĩa này xuất phát từ chính bản chất hoạt động của ngân hàng: đi vay để cho vay. Theo đó, các TCTD huy động vốn từ nền kinh tế và sử dụng nguồn vốn này để cho vay lại nền kinh tế. Kết quả kinh doanh dương phản ánh dòng vốn chu chuyển thuận lợi, cho vay và thu nợ thuận lợi bù đắp được chi phí, trả lãi tiền gửi và đảm bảo thực hiện trách nhiệm của người đi vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đây là vai trò hết sức quan trọng, mang tính tuân thủ nghiêm. Chỉ khi kinh doanh có lãi, tăng trưởng lợi nhuận mới tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng và chu chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kinh doanh có lãi, lợi nhuận tốt của các tổ chức tín dụng góp phần quan trọng trong phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ. Là định chế tài chính, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng không đơn thuần phản ánh hiệu quả hoạt động mà nó mang lại ý nghĩa toàn diện: từ vai trò, hiệu quả như phân tích ở phần trên, lợi nhuận ngân hàng tốt còn đảm bảo cho mỗi tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho chính sách nhất là các chính sách về lãi suất; về tín dụng; về huy động vốn, bởi gắn liền với giá trị tổ chức tín dụng, thương hiệu tổ chức tín dụng, năng lực tài chính và khả năng thực thi. Chỉ có tổ chức tín dụng có lợi nhuận tăng trưởng tốt hàng năm, có tích lũy mới đảm bảo giá trị thương hiệu, nâng cao năng lực tài chính, hỗ trợ và chia sẻ tốt cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho doanh nghiệp; tiên phong trong thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách hành chính và tiết giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.
Phân tích nhận diện vai trò của lợi nhuận ngân hàng, kết quả kinh doanh của mỗi tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng như vậy để thấy rõ sự cần thiết và yêu cầu cao về kết quả kinh doanh đối với mỗi tổ chức tín dụng. Việc phải duy trì và đảm bảo được lợi nhuận của tổ chức tín dụng, không chỉ là thực thi nhiệm vụ kinh doanh, chiến lược kinh doanh mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của mỗi tổ chức tín dụng trong nền kinh tế, trách nhiệm về sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, góp phần phát triển đất nước