Lãi vay mua nhà ở xã hội tăng, lo khó chồng khó cho người thu nhập thấp

Kể từ đầu năm 2023, lãi suất vay mua nhà ở xã hội sẽ tăng lên 5%/năm, thay vì 4,8%/năm như năm 2022. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở mức tăng 0,2%, mà là ở khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đang được đánh giá là rất khó khăn.

Theo Quyết định 2081/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định sẽ được điều chỉnh lại mức 5%/năm.

Khó vẫn hoàn khó

Gói vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội được các ngân hàng thương mại triển khai từ năm 2013 với mức lãi suất 6%/năm. Đến năm 2019 và 2020 giảm xuống còn 5%/năm và duy trì ở mức 4,8%/năm từ năm 2021 đến hết năm 2022.

Như vậy, việc tăng mức lãi suất lên 5% có ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.

Các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội theo quy định cũng sẽ chịu tác động. Cùng với đó là nhóm cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp…

-9052-1672823592.jpg

Việc tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất thấp của người mua nhà ở xã hội vẫn vô cùng gian nan. 

Cần nhấn mạnh, lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại hiện trong khoảng 11-14%/năm, nên mức hỗ trợ 5%/năm được đánh giá là rất “mềm” cho người vay mua nhà giá rẻ.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện tại là khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Những yêu cầu quá ngặt nghèo cộng với hạn mức vay thấp, trong khi giá liên tục đội lên, khiến giấc mơ an cư của đa số người có thu nhập trung bình trở xuống trở nên xa vời.

Anh Nguyễn Tiến Minh, quê Bắc Giang, lập nghiệp tại Hà Nội đã gần 10 năm. Là nhân viên văn phòng, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng, nên việc mua một căn nhà ở xã hội vẫn là điều mơ ước của anh Minh thời gian qua.

Sau khi tìm hiểu, vợ chồng anh Minh đang “ngắm” một căn hộ có giá hơn 1,2 tỷ đồng tại một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Từ Liêm. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện tại của anh là tiếp cận vốn vay ưu đãi.

“Với Ngân hàng Chính sách, phải có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định. Ngân hàng thương mại thì điều kiện “dễ thở” hơn, nhưng lãi suất lại quá cao. Tiếp cận vốn vay khó, giá nhà lại liên tục tăng khiến tôi đang như ngồi trên đống lửa”, anh Minh chia sẻ.

Bao giờ hết “khát”?

Không chỉ cá nhân, việc tiếp cận vốn vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp muôn vàn trở ngại. Có một thực tế là trong 3 năm qua, không ít doanh nghiệp đã làm đơn xin điều chỉnh giá, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ.

Nguyên nhân đến từ việc chi phí đầu tư tăng, trong khi mức giá bán phê duyệt quá thấp. Nhiều doanh nghiệp than thở không thể tiếp cận vốn vay ưu đãi phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9-10%/năm, nhưng khi duyệt giá bán nhà, cơ quan chức năng lại áp mức lãi suất 4,8%.

Chia sẻ với VnBusiness, đại diện một chủ đầu tư tại Bắc Ninh cho hay, dự án nhà ở xã hội của công ty từng được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/m2 căn hộ. Tuy nhiên, với mức lãi suất trên 9%, cùng cơn bão giá hiện tại, mức giá hòa vốn phải ở mức 18-20 triệu đồng/m2.

Những diễn biến từ thực tế cho thấy cần có một cuộc “cách mạng” giúp doanh nghiệp, người mua nhà gỡ khó về nguồn vốn. Cùng với đó là cần nhanh chóng “cởi trói” về pháp lý cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhằm gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 3/1/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đang có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội.

Nguồn đầu tiên từ ngân sách Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.

Nguồn thứ hai, theo ông Tú, là chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo ông Tú, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

"Đây là một trong những chủ trương được ưu tiên trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 và 2023. Ngân hàng Nhà nước xác định đây là đối tượng khuyến khích cũng như chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay", ông Tú nhấn mạnh.

Có thể thấy, trước đòi hỏi của thực tế, phía nhà băng đã sẵn sàng, nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Vinhomes, Hòa Bình, Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long, Địa Ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land… cũng đang có nhiều hoạt động tích cực.

Điều cần hiện tại là "bàn tay" quản lý của Nhà nước. Một cơ chế thông thoáng, hợp tình hợp lý sẽ giúp các ngân hàng thoát khỏi nghịch lý “có tiền mà không tiêu được”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án, tăng nguồn cung, từ đó giải “cơn khát” nhà ở cho người dân.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 12
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan