Sức ép lãi suất còn rất lớn

Mặc dù nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất, tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là rất khó khăn.

TS. Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước dự báo: “Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng".

Lãi suất “hạ nhiệt” ngay đầu năm

Từ ngày 1/1 - 30/4/2023, Vietcombank triển khai chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

-3735-1672738439.jpg

Từ ngày 1/1/2023, Vietcombank triển khai chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hànhVietcombank, hệ thống Vietcombank sẽ tự động giảm lãi suất cho vay các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

“Trong năm 2023, Vietcombank sẽ vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh" - ông Tùng nói.

Một ngân hàng khác cũng vừa công bố chương trình giảm lãi suất là SeABank. Theo đó, ngoài chương trình hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước, SeABank đã chủ động xây dựng các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lên tới 2%/năm.

Trước đó, các ngân hàng thương mại đã có động thái “bắt tay nhau” để cùng ghìm cương lãi suất huy động. Theo đó, các ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã cam kết không đưa lãi suất huy động vượt 9,5%/năm kể cả các chương trình khuyến mại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội đã nhận được văn bản cam kết lãi suất huy động không cao quá 9,5%/năm của hơn 20 tổ chức tín dụng. Đến nay, nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…); tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

Khó đi ngược xu hướng thế giới?

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là rất khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn.

Bên cạnh đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và có thể sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối năm 2024. Điều này sẽ tác động tới xu hướng lãi suất của Việt Nam.

“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng", TS. Phạm Chí Quang cho biết.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.

"Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023", VDSC nêu.

Nhận định về chính sách tiền tệ trong năm nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thách thức lớn nhất chính là vấn đề lãi suất.

Cụ thể, lãi suất cho vay 1 năm hiện nay trung bình 12,5%, trừ đi lạm phát thì đang trên 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá USD 3,81% thì đang dương 13%. Lãi suất thực (cho vay) trên 13%, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, là mức lãi suất cho vay "cao nhất nhì thế giới", khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Với mặt bằng lãi suất này, doanh nghiệp nội địa sẽ đuối sức, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài - vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, theo ông Nghĩa, trọng tâm chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.

Huyền Anh

Lượt xem: 11
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan