Lãi suất tiết kiệm đã về sát thời điểm dịch, dự báo tiếp tục trong xu hướng giảm

Mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường đã giảm về 3,3%/năm; ở kỳ hạn dài, hầu hết các ngân hàng đã kéo lãi suất huy động về mức quanh 6%/năm. Mức lãi suất phổ biến trên 7,5%/năm áp dụng cách đây một tháng đến thời điểm này là hiếm hoi, gần như biến mất hoàn toàn.

Theo ghi nhận của VnBusiness, trong tháng 7, nhóm Big 4 gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank áp dụng biểu lãi suất huy động mới tại quầy, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn: kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đồng loạt giảm xuống 3,3%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, các nhà băng giữ nguyên ở mức 6,3%/năm

Hiện, lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh đã trở về ngang với cùng kỳ tháng 7/2022.

-9020-1690173576.jpg

Mức lãi suất phổ biến trên 7,5%/năm áp dụng cách đây một tháng đến thời điểm này là hiếm hoi, gần như biến mất hoàn toàn.

Nhóm ngân hàng tư nhân cũng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 7 với các kỳ hạn khác nhau. Điển hình, SeABank thông báo giảm lãi suất huy động lần thứ 2 trong tháng 7. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng giảm từ 0,7 - 0,8%/năm so với trước đó.

Đáng chú ý, với các kỳ hạn dài thường được các ngân hàng ưu tiên mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích khách hàng gửi dài hạn, nhưng thời điểm hiện nay không chỉ nhà băng có quy mô lớn giảm mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn này. Chẳng hạn, SeABank giảm lãi suất kỳ hạn 15 và 18 tháng còn 6,05% và 6,1%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 6,15%/năm, kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 6,2%/năm.

ACB điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt giảm 0,1%. VPBank cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,6%/năm.

Có thể thấy, hiện nay, lãi suất khoảng 7,5%/năm là rất hiếm hoi, và lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng giảm.

Theo đánh giá triển vọng vĩ mô mới đây của KB Securities Vietnam (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động tại Việt Nam thực tế đã tạo đỉnh từ đầu năm 2023 và duy trì xu hướng giảm cho đến thời điểm hiện tại và đã về sát mức lãi suất trước đại dịch COVID-19.

Tính đến giữa tháng 7/2023, lãi suất huy động 12 tháng của nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh là 6,3%/năm; nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%/năm; và nhóm ngân hàng thương mại khác là 7,18%. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35%.

Theo các chuyên gia, tốc độ giảm lãi suất huy động và cho vay đang diễn biến tích cực, là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy vốn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng là chỉ đạo quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn là một trong những yêu cầu trọng tâm.

Trước đó, đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lên gần chạm mức trần cả năm 14%. Đây là lần hiếm hoi hạn mức tín dụng phân bổ gần hết ngay từ giữa năm, nhằm đẩy nhanh cung ứng vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp từ đầu năm tới nay.

Cũng trong tháng 7 này, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm nhằm kích cầu tín dụng cuối năm.

Đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm và lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, ít nhất là 1,5 - 2%.

Thanh Hoa

Lượt xem: 8
Tin liên quan