Mặt bằng lãi suất cho vay cao nhất sẽ chỉ còn 8%/năm?

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2021; trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng liên tục giảm thời gian gần đây. Với sự quyết liệt giảm lãi suất hiện nay, các chuyên gia nhận định trong vòng vài tháng nữa lãi suất cho vay sẽ còn giảm, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.

Dự đoán về mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 7,5 - 8%. Như vậy, sức chịu đựng cũng như khả năng hấp thụ, việc chuẩn bị cho chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ được tốt hơn.

Lãi suất liên ngân hàng về vùng thấp kỷ lục

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90-95% giá trị giao dịch) tính đến ngày 19/7 giảm mạnh chỉ còn 0,34%/năm. Lãi suất kỳ hạn này đã dao động trong vùng 0,14 – 0,34%/năm kể từ phiên ngày 13/7. Đây là vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Không chỉ ở kỳ hạn qua đêm mà lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn khác cũng giảm sâu. Vào ngày 19/7, lãi suất liên ngân hàng ở hai kỳ hạn chủ chốt khác là 1 tuần và 2 tuần giảm về còn 0,50%/năm và 0,72%/năm. Đây đều là mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

-9058-1689930363.jpg

Dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 7,5 - 8%.

Các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng lần lượt là là 1,68%/năm; 4,32%/năm; 6,29%/năm và 7,93%/năm.

Dù lãi suất giảm sâu, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, thậm chí có thời điểm nhà điều hành chào thầu nhưng không có giao dịch nào được thực hiện. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống liên ngân hàng đang rất dồi dào.

Điển hình, trong tuần từ 10-14/7, NHNN chỉ chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng vẫn không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ thanh khoản này.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện nay lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%/năm, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%/năm. Hai khoản cho vay này hầu như các ngân hàng thương mại thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của NHNN vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại cần để hưởng nguồn của NHNN.

Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng liên tục giảm thời gian gần đây. Lãi suất bình quân 12 tháng của nhóm các ngân hàng quốc doanh đang ở mức 6,3%; nhóm NHTM cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%, nhóm NHTM khác là 7,18%.

Theo thống kê mới nhất của Chứng khoán KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35%. KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại).

Lãi suất cho vay bình quân đã giảm 1-1,2%/năm

Theo lãnh đạo NHNN, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dư thừa do tốc độ tín dụng tăng trưởng chậm. Số liệu của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 6 mới đạt 4,73%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục trong khi NHNN kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15%. Do đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tăng sức hấp thụ vốn.

Các chuyên gia nhận định, NHNN vẫn còn dư địa giảm lãi suất điều hành từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm để hỗ trợ phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế, mà không cần quá lo ngại về lạm phát.

Cung cấp thêm 3 số liệu để củng cố niềm tin chính sách tiền tệ, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói: Một là cung tiền (M2) đến 30/6, cung tiền mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.

Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền – yếu tố tác động lạm phát rất rõ. Theo đó, vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm. “Do đó, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại”, ông Lực nói.

Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. “Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng”, ông Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia KBSV cho rằng, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất là tương đối rõ nét trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, dự báo mức giảm sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn. Đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Theo ước tính sơ bộ, tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 1-1,2%/năm. Dự báo nửa cuối năm lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh lưu ý, khi giảm lãi suất vô hình trung tạo ra những nguồn vốn rẻ, "chúng ta sẽ phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này để đảm bảo nó thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, để tránh vốn phân bổ quá nhiều vào những lĩnh vực đầu tư gây ra rủi ro và mất an toàn của hệ thống", bà nói.

Đồng tình, ông Lực cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng dòng tín dụng “dứt khoát” phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Huyền Anh

Lượt xem: 6
Tác giả: Lãi suất liên ngân hàng về vùng thấp kỷ lục
Tin liên quan