Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 7/2025: Tiếp tục ổn định ở mặt bằng thấp

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thường tại quầy tại các ngân hàng trong ngày đầu tháng 7/2025 cho thấy, thị trường tiếp tục chứng kiến sự ổn định với mức lãi tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng ở mức cơ bản phổ thông, khoảng 3%/năm (kỳ hạn ngắn) và 4-5%/năm (kỳ hạn trung và dài). Chênh lệch giữa lãi suất tại quầy và online phổ biến từ 0,1-0,4%/năm.

lai-suat-ngan-hang.jpg

Tham khảo nhanh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, Vietbank,… trong ngày đầu tháng 7/2025 cho thấy, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6,9,12,24 tháng) dù vẫn còn được điều chỉnh trái chiều ở một số nhà băng, tuy nhiên, xu hướng chung là ổn định.

Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy đầu tháng 7/2025 không thay đổi so với cùng kỳ tháng 6/2025. Lãi suất huy động nhóm ngân hàng này dao động từ 1,6%/năm đến 4,8%/năm cho hình thức trả lãi cuối kỳ, áp dụng tại quầy cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 1-36 tháng.

Cụ thể, biểu lãi suất tại Vietcombank hiện vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn, với lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%/năm. Mức lãi suất huy động 4,7%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất đang được Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tại BIDV, mặt bằng lãi suất cũng duy trì sự ổn định so với tháng trước, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 4,7%/năm và kỳ hạn 24 tháng vẫn niêm yết ở mức 4,8%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn 6, 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.

Ở nhóm NHTM cổ phần, thị trường ghi nhận có 6 ngân hàng điều chỉnh lãi suất, còn lại, xu hướng chung là các nhà băng giữ nguyên lãi suất huy động.

Trong đó, ngân hàng có kỳ điều chỉnh gần nhất là NCB giảm đồng loạt 0,1%/năm lãi suất đối với sản phẩm Tiết kiệm truyền thống và tiền gửi có kỳ hạn An Khang và chứng chỉ tiền gửi An Phát Lộc kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 84 tháng, với phương thức lĩnh lãi 6 tháng.

Bên cạnh đó, NCB lại nâng lãi suất thêm 1% cho khách hàng tham gia Chứng chỉ tiền gửi An Phát Lộc, lên tới 6,3% dù mốc cao nhất tại bảng niêm yết lãi suất tiền gửi tại quầy của NCB là 5,3%/năm.

Ngoài NCB, 5 ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất gồm: LPBank, Bac A Bank và VPBank điều chỉnh giảm lãi suất; HDBank và GPBank điều chỉnh tăng.

Thị trường tiếp tục chứng kiến sự ổn định với mức lãi cơ bản phổ thông khoảng 3%/năm (kỳ hạn ngắn) và 4-5%/năm (kỳ hạn trung và dài). Chênh lệch giữa lãi suất tại quầy và online phổ biến từ 0,1-0,4%/năm.

Theo biểu lãi suất hiện hành, thị trường ghi nhận chỉ còn 3 ngân hàng niêm yết mức từ 6%/năm trở lên gồm: Bac A Bank niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 18-36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Song, mức lãi suất cao nhất này chỉ được áp dụng cho tiền gửi trên 1 tỷ đồng; HDBank với lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ là 6%/năm. Đối với lãi suất huy động trực tuyến, HDBank niêm yết mức lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) và lãi suất huy động cao nhất lên đến 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng.

Vikki Bank áp dụng lãi suất tiền gửi trực tuyến 6%/năm cho tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 13 tháng trở lên.

Nhằm thu hút nguồn vốn lớn từ khách hàng cá nhân và tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh, một số nhà băng cũng áp dụng mức lãi suất đặc biệt, tuy nhiên, để có thể hưởng được những mức lãi suất hấp dẫn này, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về số tiền gửi tối thiểu và kỳ hạn gửi.

Dẫn đầu là ABBank với mức niêm yết lãi suất lên đến 9,65%/năm dành cho khách hàng mở mới hoặc tái tục các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 13 tháng.

PVcomBank cũng niêm yết mức lãi suất đặc biệt 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng khi khách hàng gửi tiền tại quầy, điều kiện là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng; HDBank, áp dụng mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tại Việt Nam hiện đang khá ổn định. Nhận định mới nhất về xu hướng lãi suất, VCBS Research cho rằng, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Từ đó, VCBS Research dự báo lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới; trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề.

MBS Research thì dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm, trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 5,5% - 6% trong năm 2025.

THỐNG KÊ LÃI SUẤT TIẾT KIỆM THÁNG 7/2025 TẠI MỘT SỐ NGÂN HÀNG:

chart visualization

 

Lượt xem: 14
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết