Kinh doanh ngân hàng sẽ khởi sắc hơn

Bước sang năm 2022, nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hoạt động kinh doanh ngành Ngân hàng nhờ vậy cũng sẽ khởi sắc hơn.

Vững vàng nhờ nền tảng tài chính tốt

Năm 2021 khép lại với nhiều biến động do ảnh hưởng từ dịch COVID. Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, hoạt động ngân hàng chịu tác động không nhỏ. Song, hệ thống ngân hàng đã vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là nền tảng năng lực tài chính mạnh lên rõ rệt, quy mô vốn điều lệ cải thiện mạnh nhất trong nhiều năm qua. Qua đó, các ngân hàng tiếp tục thực hiện lộ trình áp dụng Basel II, thậm chí nhiều ngân hàng tiếp cận chuẩn mực cao hơn Basel III. Nhờ có nền tảng tài chính tốt nên hệ thống vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tích cực người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch.

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, năm 2021 đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ kinh doanh cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế. Quy mô tổng tài sản của BIDV đạt 1.684.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm trước. Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.582.600 tỷ đồng tăng 12%; chất lượng tín dụng được kiểm soát dưới 1,5%. Các chỉ số an toàn theo quy định và chỉ số xếp hạng tín nhiệm được nâng cao.

kinh doanh ngan hang se khoi sac hon 123151
Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng, tăng khả năng ứng phó với rủi ro

Tương tự, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021. Trong đó, tổng tài sản đạt 1.680 ngàn tỷ, tăng 7,3%; tín dụng đạt 1.316 ngàn tỷ đồng, tăng 8,5% tăng cao hơn so với chỉ tiêu được giao.

Có được kết quả tích cực trên, ông Phan Đức Tú chia sẻ, các TCTD nói chung và BIDV nói riêng đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế.

“Các ngân hàng đảm bảo không bị đứt gãy, đình trệ, gián đoạn hoạt động thanh toán tín dụng, việc áp dụng mạnh mẽ và nhanh chóng các phương tiện thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng trong nước, các định chế tài chính trên toàn cầu về thanh toán, giao dịch mua bán, đầu tư, chi tiêu giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây có lẽ là thành công lớn nhất của ngành Ngân hàng nói chung, các TCTD nói riêng trong đại dịch”, ông Tú nhìn nhận.

Nhiều động lực cho tăng trưởng

Bước sang năm 2022, nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang từng bước bắt nhịp trạng thái thích ứng an toàn với COVID-19 từ đầu quý IV/2021 tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý I/2022. Nhờ đó tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,2- 2,4%.

Hoạt động kinh doanh ngành Ngân hàng nhờ vậy cũng sẽ khởi sắc hơn. Thể hiện rõ nét nhất là tăng trưởng tín dụng. Theo TS. Cấn Văn Lực, ngành Ngân hàng có thể mở rộng tín dụng có chọn lọc tăng khoảng 13-14% năm 2022-2023.

Nhóm nghiên cứu của CTCK VNDIRECT cũng đưa kỳ vọng tín dụng toàn ngành Ngân hàng ở mức tương tự trên. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu này, động lực tăng trưởng tín dụng nhờ hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi mạnh mẽ, sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước; lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng tỏ ra lạc quan khi duy trì quan điểm tích cực đối với ngành Ngân hàng Việt Nam. Ngoài động lực tăng trưởng tín dụng mạnh hơn do cầu tín dụng lớn hậu đại dịch, theo dự báo của MBKE, năm 2022 thu nhập từ phí của ngân hàng tăng mạnh 30 - 40%, trong khi NIM duy trì được ổn định. Các ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% trong năm 2022, trong đó, 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ khi việc trích lập dự phòng có thể giảm bớt nhờ môi trường hoạt động được cải thiện.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh doanh. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, năm 2022, biến chủng mới Omicron vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… cũng đang có số ca lây nhiễm rất cao nhưng vẫn không phong tỏa. Điều này cho thấy các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội trong năm mới. Trong khi đó, năm 2022, Chính phủ có kế hoạch tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, kích thích cho khu vực kinh tế tư nhân, sức mua sẽ tăng trở lại và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ phát triển.

Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành. Chuyển đổi số, ngân hàng số, hệ sinh thái là những mục tiêu đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Nhiều công nghệ yêu cầu lượng data đầu vào lớn. Việc một số ngân hàng nắm được data tạo lợi thế nhất định so với các ngân hàng khác về số hóa và ở các hoạt động khác như tăng trưởng tín dụng, thu hút khách hàng… Đây được coi là mục tiêu sống còn, cũng là tất yếu để ngành Ngân hàng phát triển, hội nhập và cạnh tranh.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu có thể tiếp tục tăng khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, thời gian qua các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao giúp họ tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, dự kiến, đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank lên tới 169%, chi phí dự phòng rủi ro đạt mức 17.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu kiểm soát ở mức 1,4%. Theo ông Bình, đây không chỉ là chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 mà còn là bộ đệm cho ngân hàng trong năm 2022. “Ngân hàng tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì VietinBank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt”, ông Bình khẳng định.

Hà Thành

Lượt xem: 302
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan