Không còn khoản thu lớn từ thanh lý tàu, lãi ròng quý 4 VIP “teo nhỏ” trở lại
Quý 4/2023, VIP chỉ thu lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng trong khi cùng thời điểm năm trước ghi nhận 245 tỷ đồng từ thanh lý tàu Petrolimex 10. Dù vậy, kết quả này vẫn nằm trong dự tính của Ban lãnh đạo khi vượt 10% kế hoạch lãi trước thuế năm 2023.
Việc lãi giảm mạnh còn đến từ nhiều yếu tố bất lợi khác. Đầu tiên, do quy mô doanh thu CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) bị thu hẹp tới 42%, về 127 tỷ đồng trong quý 4/2023 nhưng giá vốn lại giảm không tương xứng, chỉ ở mức 5% làm lãi gộp giảm tới 90% còn chưa đầy 10 tỷ đồng.
Tiếp theo, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức gần 19 tỷ đồng, đóng góp đáng kể trong tỷ trọng của tổng các loại chi phí, đã bị đội lên đến 27%, chưa kể mức tăng gấp đôi chi phí bán hàng dù tỷ trọng thấp, chưa đến 2 tỷ đồng.
Thuận lợi duy nhất của VIP đến từ nguồn thu hoạt động tài chính tăng thêm 33%, lên hơn 11 tỷ đồng so với cùng kỳ cũng như không còn ghi nhận chi phí lãi vay.
Nếu chỉ tính đến kết quả thuần từ hoạt động kinh doanh, bỏ qua khoản thu bất thường từ thanh lý tài sản cố định, quý 4/2023 của VIP chỉ mang về 164 triệu đồng, là sự sa sút lớn với con số 82 tỷ đồng quý 4/2022. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả năm, VIP lại đạt tổng cộng 107 tỷ đồng, tăng 17%, khá hơn năm trước dù doanh thu giảm mạnh 37%.
Lãi ròng năm 2023 của VIP theo đó cũng bị thu hẹp tới 65%, còn hơn 86 tỷ đồng. Kết quả này vẫn nằm trong dự tính của Ban lãnh đạo khi vượt kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế lần lượt 14% và 10% so với mục tiêu đề ra cho cả năm.
Giải thích về kết quả kinh doanh năm 2023 đi xuống, VIP cho biết, do năm 2022 có tàu P16 lên đà sửa chữa lớn nên phát sinh tăng thêm vượt chi phí trích trước, đồng thời tàu P10, P21 khai thác ngoài theo tuyến chuyến nên phát sinh chi phí nhiên liệu, cảng phí lớn hơn.
Đến năm 2023, đội tàu giảm doanh thu, một tàu đã thanh lý năm 2022 và đều chạy định hạn nên ổn định hơn về giá cước. Đồng thời, quý 3/2023 cũng có sự thay đổi về giá cước cho tàu P16 và P21 nên doanh thu năm 2023 gần đạt mức kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, quý 4/2023, tàu P21 và tàu P16 dừng lên đà sửa chữa nên ngày tàu tốt trong quý 4 không cao.
Ngoài ra, liên quan đến giải quyết dứt điểm khoản nợ khó đòi của vụ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Thiên Lộc Phú căn cứ dựa trên các bản án sơ thẩm, phúc thẩm từ nhiều năm trước, Công ty cho biết đã nỗ lực nhằm thu hồi tài sản nhưng khả năng thu hồi là rất khó nên quyết định thực hiện xóa nợ gần 19 tỷ đồng. Theo đó, khoản công nợ sẽ được theo dõi trên hệ thống quản trị tối đa 10 năm theo quy định. Trường hợp thu hồi được sẽ ghi nhận vào khoản thu nhập khác.
Tình hình tài chính cuối năm 2023, VIP tiếp tục có năm thứ 3 liên tiếp duy trì ở mức cao đối với khoản mục tiền và tương đương tiền (102 tỷ đồng) và đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (700 tỷ đồng), tăng tổng cộng 14% so với đầu năm, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, chiếm một nửa tổng tài sản. Điều tích cực nữa là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đã giảm đến 38%, chỉ còn 77 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối, VIP dành ra gần 59 tỷ đồng để dự phòng phải trả ngắn hạn, gấp gần 8 lần đầu năm, trong khi con số dự phòng phải trả dài hạn 21 tỷ đồng đã được xóa sổ.