Đằng sau làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động
Làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn không chỉ do Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động, mà còn do thanh khoản trên hệ thống ngân hàng được nhận định gặp nhiều áp lực.
Lãnh đạo một ngân hàng nhận định, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các dòng tiền cơ bản chưa có sự cải thiện như cân đối cung - cầu ngoại tệ quý IV/2022 nhiều khả năng kém thuận lợi và dòng tiền tiếp tục bị hút về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh tín phiếu cũng như bán ngoại tệ. Bên cạnh đó, nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt gia tăng theo chu kỳ cuối năm cũng khiến cho dòng tiền bị rút khỏi hệ thống ra ngoài lưu thông.
Thanh khoản căng thẳng “gõ cửa” các ngân hàng
Hiện nay, cân đối huy động vốn - tín dụng tiếp tục xu hướng thu hẹp. Số liệu của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng gần 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động vốn tăng thấp hơn cùng kỳ và chênh lệch lớn với tín dụng tạo áp lực thanh khoản lớn cho hệ thống.
Các chuyên gia dự báo làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn trong quý IV/2022. (Ảnh: Int) |
Dấu hiệu căng thẳng thanh khoản ngân hàng còn được thể hiện ở động thái NHNN bơm ròng gần 74.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng trong tuần từ 31/10 - 4/11. Đồng thời, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong tuần. Lãi suất qua đêm (chiếm 80-90% khối lượng giao dịch) tăng từ mức 4,79%/năm hôm 28/10 lên mức 7,12% hôm 2/11 và hạ nhiệt chút ít xuống 6,93%/năm hôm 3/11.
Cụ thể, kỳ hạn 1 tuần ở mức 6,93%; kỳ hạn 1 tuần ở mức 7,15%; kỳ hạn 1 tháng ở mức 9,13% và mức 9,64% với kỳ hạn 3 tháng. Điều này cho thấy sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng khi các ngân hàng vay với lãi suất cao để bù đắp nhu cầu.
Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc VPBank cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống chịu nhiều áp lực, nhất là từ cuối quý III/2022 và trong suốt tháng 10, NHNN hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu; doanh nghiệp và người dân do khó tiếp cận tín dụng (do room tín dụng hạn hẹp) phải trang trải bằng vốn tự có, giảm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Một số doanh nghiệp lớn phải tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, một số sự việc xảy ra thị trường ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu và tạo áp lực thanh khoản lên thị trường liên ngân hàng…
Trong bối cảnh trên, ưu tiên hàng đầu của VPBank hiện nay là bảo vệ thanh khoản, tạo sức bật tăng trưởng giai đoạn tới. Trong thời gian này, ngân hàng liên tục củng cố, đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản trị hệ thống. Kể từ cuối tháng 9/2022, khi VPBank được NHNN cấp thêm room tín dụng và lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đảm bảo cạnh tranh về vốn.
Ngân hàng phải có các giải pháp để đảm bảo an toàn
Trao đổi với báo chí ngày 6/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xét về bình diện toàn hệ thống, thanh khoản các TCTD vẫn đang tốt và hiện có dư thừa.
“Chỉ có điều, trong tháng 10 vừa qua thị trường chịu tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến phức tạp của kinh thế giới. Trước tình hình đó, NHNN đã rất nhanh chóng và kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ giải pháp đưa tiền ra hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống”, Thống đốc cho biết.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với những biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, bản thân các TCTD thấy rằng cần phải rà soát, đánh giá thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp cải thiện làm sao đảm bảo hệ thống được an toàn một cách vững chắc.
“Về phía NHNN, với vai trò điều hành cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các TCTD, đặc biệt là dịp cuối năm”, Thống đốc khẳng định.
Thực tế, Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại tăng mạnh sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành và nâng trần lãi suất tiền gửi bằng VND đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 2 điểm % trong tháng 9 và tháng 10/2022.
Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng ở mức từ 8%/năm trở lên, trong khi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều ngân hàng áp dụng mức tối đa là 6%/năm.
Theo NHNN, việc tăng lãi suất điều hành nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN tăng lãi suất vừa để giữ chân dòng vốn ngoại, vừa để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Bởi nếu lãi suất quá thấp, ngân hàng không huy động được vốn thì thanh khoản sẽ gặp khó khăn, đồng thời sẽ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật như chi trả lãi ngoài.
"Tất nhiên, tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng ta không thể vừa ổn định vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế cao. Theo tôi, lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nên doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để ứng phó", ông Huân nói.
Huyền Anh