Chi phí vốn ngân hàng tăng mạnh - ai mới là nạn nhân?
Chi phí vốn đầu vào tăng mạnh, dĩ nhiên các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Giả sử với 100.000 tỉ đồng tiền gửi, chi phí vốn tăng thêm 1% sẽ làm tăng chi phí trả lãi thêm 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng không chỉ ngân hàng, toàn bộ nền kinh tế mới là nạn nhân lớn nhất.
VPBank nằm trong nhóm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Ảnh: LÊ VŨ |
Chi phí trả lãi tăng tốc vì đâu?
Tổng chi phí lãi và các chi phí tương tự (sau đây gọi tắt là chi phí trả lãi) sáu tháng đầu năm 2023 của 27 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đã lên tới hơn 316.875 tỉ đồng, tăng 144.836 tỉ đồng, tương đương tốc độ tăng 84% so với sáu tháng đầu năm 2022.
Nói cách khác, tổng chi phí trả lãi của các ngân hàng này trong sáu tháng đầu năm 2023 gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, theo báo cáo tài chính quí 2 đã công bố. Trong đó, có bảy ngân hàng gấp từ 2 lần trở lên, 11 ngân hàng gấp từ 1,8 – 1,9 lần, tám ngân hàng gấp 1,6-1,7 lần và một ngân hàng gấp 1,4 lần.
Cao nhất là Techcombank với chi phí trả lãi sáu tháng đầu năm nay là 14.908 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ; kế tiếp là MSB với 5.126 tỉ đồng, gấp 2,4 lần; MBBank với 15.115 tỉ đồng, gấp 2,2 lần. Nếu xét theo số tuyệt đối, ba ngân hàng thương mại gốc quốc doanh vẫn ở mức cao nhất, gồm BIDV xếp đầu với chi phí trả lãi nửa đầu năm lên đến 49.677 tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ; kế tiếp là VietinBank với 41.453 tỉ đồng, cũng gấp 1,7 lần; thứ 3 là Vietcombank với 28.288 tỉ đồng, gấp 1,9 lần. Hai vị trí kế tiếp thuộc về SHB với 19.168 tỉ đồng, gấp 1,8 lần và VPBank 18.507 tỉ đồng, gấp 2 lần.
Về cơ bản, trong khoản mục chi phí lãi và các chi phí tương tự trên báo cáo tài chính các ngân hàng, luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi trả lãi tiền gửi cho khách hàng, kế tiếp là các khoản mục chi trả lãi phát hành giấy tờ có giá, trả lãi tiền gửi và vay vốn các tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng, trả lãi tiền gửi các khoản nợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trả lãi vốn tài trợ, ủy thác đầu tư và chi phí tín dụng khác.
Việc chi phí trả lãi tăng mạnh như vậy dĩ nhiên do ảnh hưởng bởi tổng số dư huy động vốn của các ngân hàng đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước, trong bối cảnh dòng tiền tìm nơi trú ẩn ở kênh tiền gửi ngân hàng khi các hoạt động đầu tư kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Thống kê cho thấy tổng huy động vốn chịu lãi (gồm các khoản vốn huy động của ngân hàng có tính lãi suất) của 27 ngân hàng nói trên đến cuối tháng 6 vừa qua đã tăng 4,2% so với đầu năm nay và tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Cơ cấu tiền gửi thay đổi cũng ảnh hưởng nhiều đến chi phí trả lãi của các ngân hàng. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với giá rẻ đã giảm đáng kể, thay vào đó tiền gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn nhiều đã gia tăng mạnh mẽ. Số liệu công bố của NHNN đã phần nào phản ánh xu thế này, với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (thường là doanh nghiệp có số dư tiền gửi thanh toán không kỳ hạn lớn) giảm 3,45% trong năm tháng đầu năm nay, ngược lại tiền gửi của dân cư tăng 8,21%.
Khi chi phí trả lãi tăng, các ngân hàng cũng sẽ tăng lãi suất cho vay tương ứng để bảo vệ lợi nhuận. Hệ quả là với hơn 12,48 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6-2023, lãi suất cho vay chỉ cần tăng 1% thì chi phí lãi vay mà toàn nền kinh tế phải gánh chịu ước tăng thêm lên tới gần 125.000 tỉ đồng. |
Hoặc nhìn vào cơ cấu vốn của các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao trước đây cũng có thể thấy. Như Techcombank báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận lượng tiền gửi CASA và ký quỹ của khách hàng tính đến cuối quí 2-2023 giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2022, ngược lại tiền gửi có kỳ hạn tăng hơn 47%. Tương tự, tại MBBank, tiền gửi không kỳ hạn, ký quỹ và chuyên dùng giảm 2,4%, trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng hơn 38% so với với cùng kỳ. Tại Vietcombank, con số này lần lượt là giảm 6% và tăng hơn 20%.
Chẳng những vậy, chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi có kỳ hạn ngắn (dưới sáu tháng) và tiền gửi có kỳ hạn dài hơn mở rộng ra trong giai đoạn đua lãi suất đã thúc đẩy khách hàng chuyển dịch sang gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn.
Ngoài ra, cơ cấu tiền gửi cũng có sự thay đổi giữa các loại tiền, với tiền gửi ngoại tệ có lãi suất thấp, thậm chí như đô la Mỹ có lãi suất bằng 0%, có lẽ cũng đã giảm xuống trong thời gian qua, trong khi tiền đồng với lãi suất cao hơn nhiều đã tăng mạnh hơn.
Yếu tố thứ hai có tác động mạnh hơn nhiều là do xu hướng lãi suất tiền đồng đã tăng mạnh từ quí 4 năm ngoái đến đầu năm nay, khiến các ngân hàng có giai đoạn chạy đua lãi suất và trót huy động đầu vào một lượng vốn lớn ở thời điểm lãi suất cao. Đáng lưu ý là mặt bằng lãi suất tăng lên không chỉ kéo chi phí trả lãi cho các khoản tiền gửi mới cao hơn nhiều, mà các khoản tiền gửi cũ khi đáo hạn cũng được áp theo khung lãi suất mới càng kéo chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng vọt.
Ai là nạn nhân?
Ngoài theo dõi số liệu chi trả lãi tiền gửi, nếu quan sát chi phí vốn của các ngân hàng, được tính bằng cách lấy chi trả lãi tiền gửi bốn quí gần nhất chia cho tổng huy động vốn chịu lãi bình quân bốn quí gần nhất, thì thấy đến ngày 30-6-2023 đều tăng từ gần 1-2% so với cuối năm 2022. Trong đó cao nhất là KienlongBank tăng 2%, Việt Á tăng 1,7%, SHB và Bản Việt cùng tăng 1,5%, Techcombank tăng 1,4%. Tăng thấp nhất là các ngân hàng Vietcombank và PGBank (cùng tăng 0,7%), VietinBank (tăng 0,8%), BIDV và Bắc Á (cùng tăng 0,9%).
Tất cả những yếu tố trên, từ xu hướng lãi suất đi lên, sự thay đổi trong cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn và loại tiền, đều là yếu tố tác động làm tăng chi phí vốn.
Chi phí vốn đầu vào tăng mạnh, dĩ nhiên các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Giả sử với 100.000 tỉ đồng tiền gửi, chi phí vốn tăng 1% sẽ làm tăng chi phí trả lãi 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhìn vào tổng huy động vốn chịu lãi của 27 ngân hàng nói trên là hơn 11,7 triệu tỉ đồng tính đến cuối quí 2 vừa qua, còn ước tính theo số liệu tiền gửi khách hàng (chưa tính phát hành giấy tờ có giá) của toàn hệ thống lên tới hơn 12,2 triệu tỉ đồng tính đến ngày 20-6-2023, sẽ thấy con số chi trả lãi tăng thêm mà các tổ chức tín dụng phải chấp nhận lớn như thế nào.
Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động tiêu cực lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Chi trả lãi tăng mạnh nhưng thu nhập lãi không tăng theo kịp do dư nợ tín dụng trì trệ trong nửa đầu năm nay đã khiến thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể, bên cạnh các yếu tố như nguồn thu nhập ngoài lãi cũng suy giảm do một số hoạt động cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể đối mặt với rủi ro thua lỗ ở các khoản đầu tư trái phiếu có lãi suất cố định trước đây, như trái phiếu chính phủ. Cụ thể, với các trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có lãi suất trúng thầu từ năm 2020 đến nay dao động từ 2,5-3,5%/năm, thời điểm cao nhất (vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái) có lúc chạm 4,8%/năm, trong khi chi phí vốn của các ngân hàng đến cuối tháng 6 vừa qua phổ biến từ 4,5% trở lên, không ít ngân hàng có thể đang nhìn các khoản đầu tư này ở giai đoạn trước đây đang bị lỗ.
Áp lực với ngân hàng là như thế, áp lực lên tổng thể nền kinh tế sẽ còn lớn hơn. Vì khi chi phí trả lãi tăng, các ngân hàng cũng sẽ tăng lãi suất cho vay tương ứng để bảo vệ lợi nhuận. Hệ quả là với hơn 12,48 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6-2023, lãi suất cho vay chỉ cần tăng 1% thì chi phí lãi vay mà toàn nền kinh tế phải gánh chịu ước tăng thêm lên tới gần 125.000 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến những khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn sẽ phải chịu lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.
Trong tình hình này, động lực mở rộng đầu tư của doanh nghiệp bị suy giảm là điều tất yếu. Các kênh đầu tư như thị trường bất động sản cũng tất yếu phải lao dốc vì các nhà đầu tư lẫn đầu cơ không chịu nổi lãi suất tăng lên, buộc phải bằng mọi giá tháo hàng trên diện rộng. Hệ quả tiếp theo là chính tài sản nhà đất mà các ngân hàng đang nhận thế chấp cho hầu hết các khoản vay cũng sẽ bị suy giảm giá trị và gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi các khoản vay bị quá hạn.
Với những hệ quả nặng nề và rủi ro tiềm tàng như thế, dễ hiểu vì sao nhà điều hành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong thời gian gần đây để kéo giảm mặt bằng lãi suất xuống trở lại. Về phía Chính phủ cũng thường xuyên yêu cầu ngành ngân hàng phải bằng mọi cách tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chính sách tiền tệ đã triển khai thời gian qua có lẽ cần đợi thêm thời gian để phát huy hiệu quả, vì như đã nói, với chi phí vốn đầu vào của nhiều ngân hàng đã tăng nhanh trong giai đoạn trước và hiện chỉ đang giảm dần với tốc độ chậm, lãi suất cho vay cần thêm thời gian để giảm thực chất hơn.