An Giang: Ngành Ngân hàng quyết tâm tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch
Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2025, ngành Ngân hàng tỉnh An Giang đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nên khí thế mới, động lực mới trong tăng trưởng và phát triển.
Đáng chú ý, ngành Ngân hàng trên địa bàn đạt kết quả huy động vốn đến cuối tháng 1/2025, là 75.812 tỷ đồng, tăng 0,08% so cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt 125.242 tỷ đồng, tăng 0,05% so với cuối năm 2024.
Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đặc biệt, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 77.869 tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua chế biến xuất khẩu lúa gạo đạt 20.758 tỷ đồng, dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 18.048 tỷ đồng.
Riêng dư nợ theo Chương trình tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói 60.000 tỷ đồng) đạt 924,43 tỷ đồng, cho 20 doanh nghiệp, 88 hộ cá nhân.
Dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ) đạt khoảng 16,99 tỷ đồng, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.431 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang chia sẻ, đơn vị tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2025 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn.
Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát và kiểm tra các ngân hàng trên địa bàn trong việc thực hiện và tuân thủ các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng.
Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: (i) Chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; (ii) Chương trình tín dụng góp phần thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg; (iii) Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ;…
Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.
Thường xuyên theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền.
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) giai đoạn năm 2022 - 2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các ngân hàng triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt công tác an toàn kho quỹ; ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác an toàn kho quỹ tại các ngân hàng năm 2025; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn tài sản cơ quan; đảm bảo an toàn hoạt động máy ATM, POS.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trong công tác tiếp xúc cử tri; phối hợp các sở, ban, ngành nắm bắt và giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân dễ dàng tiếp cận; về các giải pháp tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.