Từ Concert Anh trai đến động lực mới của tăng trưởng kinh tế

Ngành công nghiệp biểu diễn và văn hóa không chỉ là lĩnh vực nghệ thuật mà còn là “đòn bẩy bị lãng quên” của tăng trưởng kinh tế. Với những buổi hoà nhạc (concert) thành công vang dội trong năm qua, người Việt Nam đã chứng minh mình hoàn toàn có đủ năng lực và sáng tạo để vươn ra thế giới. Tuy nhiên, để khai thác toàn diện tiềm năng của ngành này, cần có sự đầu tư bài bản từ các cấp quản lý, sự chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng và một tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Trong bài phát biểu đánh giá kết quả đạt được của ngành văn hóa năm qua tại hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến thành công của hai concert “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Thủ tướng nhấn mạnh thành công này hoàn toàn đến từ con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Đánh giá cao sức sáng tạo của những người trẻ Việt Nam tham gia, ông cho rằng đây là mô hình tốt cần nhân rộng.

Doanh thu và hiệu ứng lan toả kinh tế khổng lồ

Cuối tháng 7 năm ngoái, concert Born Pink của nhóm nhạc nữ đình đám BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình khiến dư luận rúng động khi thu hút tới 67.443 khán giả (theo thống kê của Touring Data). Trên mạng xã hội có người viết “4 cô gái Hàn Quốc đến Việt Nam trong 2 ngày và mang đi gần 13,7 triệu USD”. Những tưởng đó là một giấc mơ ngoài tầm với của ngành công nghiệp biểu diễn trong nước. Nhưng chỉ một năm sau đó, chúng ta đã làm được.

Theo thông tin từ đơn vị sản xuất “Anh trai say hi”, chỉ riêng hai đêm diễn tại TP.HCM, hơn 78.000 khán giả đã phủ kín khán đài. Tại Hà Nội, con số này lên đến 100.000 người. Với “Anh trai vượt ngàn chông gai”, hai đêm diễn tại TP HCM và Hưng Yên ước tính thu hút khoảng 50.000 khán giả.

-6790-1734936486.jpg

Hình ảnh tại concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" hôm 14/12 tại Hưng Yên. (Ảnh: Đỗ Thư)

Trong đêm diễn tại Hưng Yên, giá vé thấp nhất là 800.000 đồng/vé. Cao nhất là 8 triệu đồng/vé. Hạng đắt nhất cũng là hạng bán chạy nhất. Tất cả các hạng vé đều “cháy hàng”. Phía các đơn vị tổ chức không cung cấp thông tin chính xác về số lượng vé và doanh thu. Nhưng từ các con số ước lượng, có thể thấy hàng chục triệu USD doanh thu, riêng từ bán vé.

Đáng nói, đóng góp kinh tế từ những buổi biểu diễn này không chỉ dừng lại ở tiền vé. TS Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, tổ chức các buổi diễn quy mô lớn sẽ thu hút đa dạng khán giả trong nước và quốc tế, giúp tăng doanh thu du lịch tất cả lĩnh vực. Sự kiện cũng kích thích kinh tế từ việc đặt phòng lưu trú, sử dụng dịch vụ vận chuyển, chi tiêu vào ăn uống và hàng hoá bán lẻ.

Tại Hưng Yên, Vinhomes Ocean Park - địa điểm tổ chức concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" chặng Hưng Yên công bố hơn 130.000 lượt khách đã đổ về Ocean Park 2 và 3 trong ngày 14/12. Số liệu được đo lường bằng hệ thống đếm FootFall.

Ngoài ra, các chương trình này còn tạo ra cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn người lao động, từ nhân viên kỹ thuật, tổ chức sự kiện đến các dịch vụ hỗ trợ như an ninh, vận chuyển và phục vụ. Ông Nguyễn Xuân An, Giám đốc truyền thông của “Anh trai vượt ngàn chông gai”, chia sẻ trên báo chí rằng mỗi concert có sự tham gia của hơn 1.000 nhân sự từ nhiều bộ phận khác nhau - một minh chứng rõ nét về sự lan tỏa giá trị kinh tế.

Doanh thu từ các lĩnh vực liên quan cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể. Báo cáo tài chính từ Yeah1, đơn vị sở hữu bản quyền chương trình, cho thấy doanh thu quý III năm 2024 đạt 345 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu 9 tháng đầu năm đạt gần 630 tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, nhà sản xuất dự tính doanh thu từ quảng cáo và tư vấn truyền thông từ quá trình sản xuất, phát sóng game show “Anh trai vượt ngàn chông gai” là 340 tỷ đồng.

“Doanh thu bán vé đến nay vẫn chưa thống kê được. Tuy nhiên, chỉ cần một buổi diễn, chúng ta cũng có thể thấy sự thành công khi phối hợp các ngành văn hóa với nhau. Một chương trình biểu diễn âm nhạc nhưng là sự tích hợp lĩnh vực quảng cáo, thời trang, du lịch, ẩm thực...", bà cho hay.

Các địa phương cũng đã nhìn thấy những nguồn lực khổng lồ từ các sự kiện giải trí quy mô này. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho hay, các chương trình biểu diễn với quy mô quốc tế, sự bùng nổ của hàng loạt live concert với sức đầu tư lớn về nội dung, hình thức và số lượng khán giả trên chục ngàn người như: Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô (HOZO)... đóng góp hiệu quả vào tổng thu ngân sách TP. HCM.

Bà cho biết thêm, hiện số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố.

Tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay. Đây cũng là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành là 1,66%, năm 2015 là 1,65% và năm 2020 chiếm 1,76% GRDP của thành phố.

“Có thể thấy, đây là một trong những ngành có tiềm năng phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP HCM, nếu được quan tâm và đầu tư hơn nữa cho ngành”, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhận định.

Cần quan tâm đầu tư hơn nữa

Giá trị tổng hợp từ các sự kiện đã minh chứng rằng ngành công nghiệp biểu diễn, rộng ra là công nghiệp văn hoá, đang trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế mới cho Việt Nam.

TS Daisy Kanagasapapathy gợi ý, du lịch âm nhạc là một hướng đi đầy triển vọng. Tập trung vào du lịch âm nhạc có thể giúp Việt Nam thu hút nhiều khách, tương tự cách Malaysia, Hong Kong, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan đã làm và thành công.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, những concert hoành tráng là minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam. Nhưng để đi được bền vững, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là sự chung tay từ các cấp quản lý và cộng đồng.

“Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn. Những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.

Việc cải thiện thủ tục hành chính, cấp phép tổ chức sự kiện và chính sách bảo hộ quyền lợi của nghệ sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rào cản cho các ê kíp tổ chức”, ông Sơn nhìn nhận.

Ngoài ra, ngành công nghiệp biểu diễn cần có thêm những chương trình đào tạo bài bản cho các nhà sản xuất, kỹ thuật viên và đội ngũ quản lý sự kiện. Việc hợp tác với các chuyên gia quốc tế cũng là giải pháp thiết thực, giúp Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo tập trung đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách trọng dụng, phát huy tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, vận động viên.

Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí cần huy động được sức mạnh của người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách… Đặc biệt cần xây dựng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt để tạo ra phong trào, xu thế phát triển như hai concert anh trai vừa rồi, hay đội bóng chuyền nữ quốc gia… để nhân rộng ra.

-2972-1734936486.jpg

 PGS TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 Chúng ta không phải là quốc gia duy nhất nhìn thấy sức mạnh của văn hóa. Nhìn ra thế giới, từ Hàn Quốc đến Pháp, những quốc gia này đã biến văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam, với một kho tàng nghệ thuật phong phú giàu bản sắc dân tộc hoàn toàn có thể làm được điều đó. Điều cần thiết là một chiến lược đúng đắn, một sự đầu tư mạnh mẽ vào con người. Và giáo dục chính là hạt giống để ươm mầm cho văn hóa phát triển bền vững.

-1790-1734936486.jpg

 Ông Hồng Quang Minh, chuyên gia truyền thông

 Để thị trường này phát triển bền vững vẫn cần một bệ đỡ vững chắc về hạ tầng công nghệ, pháp lý và văn hóa. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ biểu diễn, từ hệ thống âm thanh, ánh sáng đến kỹ thuật dàn dựng sân khấu. Ngoài ra, việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ thông qua các quy định pháp lý rõ ràng về bản quyền và quyền lợi biểu diễn cũng rất quan trọng.

-8889-1734936486.jpg

 Ông Hoàng Anh Tú, nhà văn - nhà báo

 Thực tế cho thấy, người hâm mộ chưa bao giờ ngại chi tiền cho những sự kiện văn hóa chất lượng và các thần tượng của họ. Vấn đề chỉ nằm ở việc liệu có đủ những không gian để họ chi tiền và trải nghiệm hay không. Chính vì vậy, rất cần những địa điểm có đủ năng lực tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, cùng một hệ sinh thái đa dạng trải nghiệm trong tương lai.

Đỗ Kiều

Lượt xem: 1
Tác giả: PGS TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam