Thị trường các-bon trong nước tác động đến việc thực hành ESG của doanh nghiệp
Thị trường các-bon trong nước được kỳ vọng là công cụ giúp giảm dần tổng mức phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời khuyến khích sự phát triển bền vững. Cùng mục tiêu đó, ESG - các tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp trên 3 khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị đang thu hút sự quan tâm của các bên liên quan. Bài viết này cung cấp thông tin về ESG, thị trường các-bon và phân tích sự tác động của thị trường các-bon đến việc thực hành ESG của doanh nghiệp.
Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng, với tác nhân chủ yếu là do con người phát thải quá mức khí nhà kính. Thị trường các-bon là một trong những phương pháp định giá các-bon, được kỳ vọng là công cụ hiệu quả giúp giảm phát thải, ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.
Cùng chung mục tiêu đó, ESG với 3 trụ cột về môi trường, xã hội và quản trị là công cụ đánh giá doanh nghiệp, đồng thời thể hiện ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với môi trường và cộng đồng. Việt Nam đang chuẩn bị vận hành thị trường các-bon trong nước, đồng thời thúc đẩy thực hành ESG ở các doanh nghiệp.
Do đó, việc tham gia thị trường các-bon sẽ giúp doanh nghiệp đóng góp vào quá trình thực hành ESG và phát triển bền vững. Bài viết này nhằm chỉ ra một số tác động của thị trường các-bon trong nước đối với việc thực hành ESG của doanh nghiệp.
Cơ sở lý thuyết
Phát triển bền vững và ESG
Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai[1]. Khái niệm này được xây dựng trên cơ sở lịch sử phát triển của loài người đã khai thác, tác động đến tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tuy nhiên, với sự tác động quá mức, môi trường dần không còn ở trạng thái an toàn để con người tiếp tục sinh sống và phát triển. Để giữ cho hành tinh tiếp tục là mái nhà của các thế hệ tiếp theo, chúng ta cần thay đổi cách thức giao tiếp với tự nhiên, bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của trái đất, giữ cho trái đất trong giới hạn chịu đựng của nó, kiểm soát việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, nhưng vẫn tôn trọng, quan tâm và nâng cao cuộc sống cộng đồng.
Ở góc độ pháp lý, phát triển bền vững là một nội dung được ghi nhận trong pháp luật bảo vệ môi trường, theo đó phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường (khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014).
Hiện nay, pháp luật đặt ra yêu cầu phát triển bền vững trong nguyên tắc bảo vệ môi trường, ghi nhận việc bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Các tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững được đưa ra tương đối thống nhất, đó là sự phát triển kinh tế, sự bảo vệ môi trường và sự thỏa mãn các yêu cầu cuộc sống của con người[2].
ESG là một bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành công ty[3]. Ba chữ cái E, S, G lần lượt đại diện cho các khía cạnh khác nhau, bao gồm Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governace). ESG thể hiện khái niệm của phát triển bền vững, trong đó bao gồm 3 yếu tố là sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội[4]. ESG bao quát các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp, từ việc sử dụng tài nguyên, xả thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng lao động, bình đẳng giới, môi trường làm việc, đến việc điều hành của hội đồng quản trị, ban giám đốc, quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Từ đó, ESG không chỉ là bộ công cụ đánh giá hiệu suất của doanh nghiệp mà còn đánh giá mức độ phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. ESG phản ánh sự phát triển bền vững, với mục tiêu hướng đến sự tồn tại hài hoà giữa con người và tự nhiên[5]. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, cũng như cải tiến và vận hành doanh nghiệp tốt hơn. ESG còn là một giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Với ESG, các doanh nghiệp hướng đến các hành vi kinh doanh có trách nhiệm, thể hiện qua các tác động đến môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tôn trọng người lao động. Doanh nghiệp buộc phải mang lại kết quả tích cực để được đánh giá cao trong mắt các nhà đầu tư, cũng như các cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể góp phần giải quyết các vấn đề môi trường mang tính toàn cầu như hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Khi thực hành ESG, doanh nghiệp có thể linh hoạt trong thực hành và báo cáo ESG phù hợp với đặc điểm ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh cũng như cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự kết hợp của cả 3 trụ cột sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong dài hạn[6].
Các tiêu chí cụ thể của ESG được phân loại theo 3 trụ cột. Về môi trường, một số chỉ tiêu nổi bật bao gồm các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính và các loại khí độc hại khác; việc sử dụng, quản lý và phương án giảm lệ thuộc vào tài nguyên; chất thải; ô nhiễm môi trường. Các yếu tố này tồn tại trong quá trình vận hành doanh nghiệp và trụ cột E sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về việc sử dụng năng lượng để hoạt động của doanh nghiệp đó.
Trụ cột xã hội gồm các vấn đề như tuyển dụng, quản lý, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động; chính sách phát triển nguồn nhân lực; an toàn, chất lượng sản phẩm; quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu khách hàng; khả năng quản lý chuỗi cung ứng, mô hình tiếp thị; đầu tư vào cộng đồng. Yếu tố quản trị gồm cơ chế giám sát và quản trị doanh nghiệp, chẳng hạn như quyền của cổ đông và nhà đầu tư; hồ sơ, chế độ, kỹ năng, hoạt động của hội đồng quản trị, ban điều hành, người quản lý; đạo đức nghề nghiệp, chống tham nhũng; minh bạch và công bố thông tin.
Thị trường các-bon trong nước ở Việt Nam
Trên thế giới, thị trường các-bon đã được nhiều quốc gia và khu vực xây dựng, vận hành từ giai đoạn đầu những năm 2000. Ở Việt Nam, thị trường các-bon là một công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường mới được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo quy định, thị trường các-bon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi như mua, bán, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Các hoạt động này được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, với loại “hàng hóa” đặc biệt được mang đi trao đổi trên thị trường là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.
Bên bán có dư hạn ngạch, hoặc có tín chỉ các-bon; bên mua có nhu cầu phát thải vượt mức cho phép, nên cần mua hạn ngạch để mở rộng giới hạn phát thải, hoặc mua tín chỉ các-bon để bù cho lượng khí nhà kính phát thải vượt mức. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Đến năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ các-bon sẽ vận hành chính thức.
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính mà quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, 01 đơn vị hạn ngạch được tính theo 01 tấn khí các-bon dioxide (CO2) hoặc khí CO2 tương đương. Khi được phân bổ hạn ngạch, chủ thể chỉ được phép phát thải khí nhà kính trong phạm vi hạn ngạch đó. Hằng năm, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được tính toán và phân bổ cho các đơn vị. Căn cứ vào mục tiêu, lộ trình giảm nhẹ phát thải và kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê, Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam được thể hiện trong bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (còn gọi là NDC) trên cơ sở thực hiện nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Căn cứ vào tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được ban hành, kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và tình hình thực hiện giảm nhẹ phát thải cấp cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở theo quy định.
Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Tín chỉ các-bon được tạo ra từ việc chủ thể đăng ký và triển khai các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kính (cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon) phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bằng các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Các chủ thể được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng cũng có thể tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon thông qua việc xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Chẳng hạn, nếu có doanh nghiệp đăng ký và thực hiện dự án trồng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí CO2‑, doanh nghiệp có thể nhận được một lượng tín chỉ các-bon nhất định trên cơ sở lượng CO2 đã loại bỏ khỏi môi trường. Chủ thể có 01 tín chỉ các-bon có quyền thải ra môi trường 1 tấn khí CO2 hoặc CO2 tương đương, đồng thời có quyền trao đổi tín chỉ này với chủ thể khác. Khi trao đổi, tín chỉ các-bon sẽ được chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải, với quy đổi 01 tín chỉ các-bon bằng 01 tấn CO2 tương đương.
Tác động của thị trường các-bon trong nước đến thực hành ESG
Doanh nghiệp là lực lượng lớn cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng là tác nhân phát thải khí nhà kính lớn. Tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi những nỗ lực cắt giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường, trong đó phần lớn là trách nhiệm của các doanh nghiệp, song cũng không thể cản trở sự vận hành và phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Từ đó, ESG được xem là công cụ hiệu quả để cân bằng cả 3 khía cạnh của phát triển bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo tồn tự nhiên và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Việc tham gia vào thị trường các-bon, một công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, có thể giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các chỉ tiêu trong trụ cột môi trường, đặc biệt là yếu tố phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng.
Mục tiêu của biện pháp kinh tế nhằm tác động vào lợi ích kinh tế của các tổ chức, cá nhân để các chủ thể này vì lợi ích kinh tế riêng phải thay đổi hành vi xử sự đối với môi trường theo hướng khuyến khích những hành vi tác động có lợi cho môi trường[7]. Bằng việc giới hạn và phân bổ quyền phát thải cho cơ sở, Nhà nước kiểm soát và điều hướng hành vi của doanh nghiệp để giảm dần lượng khí nhà kính mà các chủ thể này phát thải ra môi trường.
Để đạt được mục tiêu lâu dài, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh, bền vững. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát thải ít hơn, mà còn tạo ra lợi ích kinh tế, tạo nguồn vốn để tái đầu tư và phát triển công nghệ hoặc đầu tư vào cộng đồng. Do đó, cơ chế trao đổi các-bon giúp doanh nghiệp thực hiện ESG bằng cách gia tăng áp lực giới hạn phát thải từ chính phủ, từ đó thúc đẩy phát triển công nghệ xanh[8].
Thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam đưa ra NDC (cập nhật năm 2022), trong đó xác định cụ thể mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Mỗi NDC tiếp theo cần thể hiện mức đóng góp lớn hơn so với NDC hiện tại. Thực tế, với NDC 2022, chúng ta đã đặt mục tiêu giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải và các quá trình công nghiệp đến năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) cao hơn so với NDC 2020, cụ thể, đóng góp không điều kiện đã tăng từ 9,0% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện tăng từ 27,0% lên 43,5%.
Như vậy, các NDC về sau của Việt Nam sẽ đưa ra mục tiêu giảm phát thải cao hơn, đồng nghĩa với việc tổng hạn ngạch phát thải của quốc gia được ban hành và được phân bổ cho các cơ sở trong tương lai sẽ thấp hơn so với hiện tại. Với hạn ngạch ngày càng thấp, các doanh nghiệp được phân bổ tham gia vào thị trường các-bon để mua thêm hạn ngạch hoặc tín chỉ các-bon, nhưng giải pháp mang tính bền vững sẽ là đầu tư vào cải tiến công nghệ, quy trình, vận hành để giảm phát thải.
Nhiều nơi trên thế giới như Liên minh châu Âu đã bắt đầu áp dụng thuế các-bon đối với hàng hóa nhập khẩu có dấu chân các-bon lớn. Vì vậy, về lâu dài, việc thay đổi để giảm phát thải là cần thiết. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển sang áp dụng giải pháp xanh, giảm phát thải, tạo tín chỉ các-bon. Khi đã dôi dư hạn ngạch và tín chỉ, doanh nghiệp có thể tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường các-bon. Vì vậy, cắt giảm phát thải không chỉ bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ hạn ngạch, mà còn giúp thực hiện chỉ tiêu về môi trường của ESG.
Không chỉ tác động thông qua hạn ngạch, ESG còn có thể được thực thi nhờ cơ chế tạo ra tín chỉ các-bon. Qua đăng ký và triển khai các chương trình, dự án giảm phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính, doanh nghiệp có thể thu về tín chỉ các-bon, vừa bù trừ cho hạn ngạch phát thải, vừa trao đổi được với các chủ thể khác. Doanh nghiệp có thể cắt giảm CO2 ở chính các hoạt động do mình kiểm soát, như việc chuyển đổi sang phương tiện công cộng hay đầu tư vào hệ thống xử lý khí thải, hoặc cắt giảm gián tiếp thông qua các hoạt động mà doanh nghiệp không trực tiếp kiểm soát, như việc chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hó hay sử dụng nguyên vật liệu ít phát thải, sử dụng năng lượng sạch. Khi thực hiện các dự án này, doanh nghiệp mang đến tác động tích cực cho môi trường, tạo ra sự suy giảm lượng khí nhà kính. Chẳng hạn, nếu thực hiện lắp đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời tại các nhà xưởng, văn phòng, doanh nghiệp có thể trực tiếp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này mà không phải sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm tiêu thụ điện hóa thạch và gián tiếp giảm lượng khí nhà kính mà các nhà máy năng lượng hóa thạch phát thải ra.
Tham gia thị trường các-bon còn giúp doanh nghiệp thực hiện trụ cột xã hội và quản trị. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc vận hành thị trường mua bán hạn ngạch và tín chỉ các-bon có thể gia tăng cơ hội việc làm trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Người lao động sẽ được hưởng lợi nhờ những cải tiến của doanh nghiệp trong quá trình vận hành để giảm phát thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp thực hiện dự án tạo tín chỉ các-bon bằng cách chuyển đổi dây chuyền xử lý khí thải CO2 thành nhiên liệu để tái sử dụng, lượng khí CO2 này sẽ không được thải ra môi trường và người lao động có môi trường làm việc trong lành hơn. Lợi nhuận từ việc bán tín chỉ các-bon cũng được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động chuyển đổi sang hành vi tiêu dùng bền vững, hay đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng làm việc.
Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đã đưa ra một biểu mẫu chung về công bố thông tin về phát triển bền vững của công ty đại chúng trong nội dung báo cáo thường niên. Đây là nơi doanh nghiệp niêm yết thể hiện kết quả thực hành ESG của mình, được công bố rộng rãi đến các nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước. Báo cáo ESG theo quy định bao gồm một số nội dung nổi bật như: (i) Tác động lên môi trường; (ii) Tiêu thụ năng lượng; (iii) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (iv) Chính sách liên quan đến người lao động; (v) Báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương. Các tiêu chí này đều liên quan đến việc tham gia vào thị trường các-bon, là hệ quả của việc cắt giảm khí thải và trao đổi các-bon.
Doanh nghiệp giảm phát thải, đầu tư vào dự án tạo tín chỉ hoàn toàn có thể báo cáo vào nhiều hạng mục, vừa thể hiện sự tác động tích cực lên môi trường, vừa thể hiện việc tuân thủ pháp luật về môi trường - phát thải trong giới hạn mà nhà nước phân bổ, vừa thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng - góp phần cải thiện môi trường sống tại nơi doanh nghiệp làm việc. Hơn hết, khi tham gia vào thị trường các-bon và thực hiện công bố thông tin, các doanh nghiệp có động lực thực hiện các hành vi thân thiện với môi trường, cải thiện hình ảnh trong mắt cộng đồng, hướng đến và dần đi vào quỹ đạo của phát triển bền vững.
Kết luận
Việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam là một biện pháp góp phần hiện thực hóa mục tiêu net-zero vào năm 2050 và hướng đến phát triển bền vững. Tham gia thị trường các-bon, doanh nghiệp có cơ hội để thực hành hiệu quả ESG trên cả 3 khía cạnh, đặc biệt là trụ cột về môi trường. Nhờ cắt giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư vào công nghệ phát thải xanh, doanh nghiệp sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, cải thiện mô hình quản trị của mình, bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và các rủi ro mang tính toàn cầu khác. Cuối cùng, thực hành ESG hiệu quả qua thị trường trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon sẽ đưa doanh nghiệp trở thành chủ thể tiên phong và tạo sự thay đổi vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future, , xem 09/12/2023.
2 Lê Hồng Hạnh, Vũ Thu Hạnh (Chủ biên, 2016). Giáo trình Luật Môi trường. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 18.
3 PwC Việt Nam (2022). Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022: Từ tham vọng đến hành động. Truy cập tại: .
4 Guochao W., Ahmad Y. D., Somsak C. et al (2023). Hotspots and trends of environmental, social and governance (ESG) research: a bibliometric analysis, Data Science and Management, 6(2), https://doi.org/10.1016/j.dsm.2023.03.001, tr. 65-75.
5 Wan G., Dawod A.Y. (2022). ESG Rating and Northbound Capital Shareholding Preferences: Evidence from China, Sustainability, Insights on Venture Capital and Sustainable Development of Enterprise, 14, https://doi.org/10.3390/su14159152, tr. 1-19.
6 Linda-Eling L., Zoltán N., Guido G. (2020). Deconstructing ESG Ratings Performance: Risk and Return for E, S And G by Time Horizon, Sector and Weighting, .
7 Phạm Văn Võ (Chủ biên, 2023). Tập bài giảng Luật Môi trường. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 16.
8 Yadu Z., Yiteng Z., Zuorei S. (2023). The Impact of Carbon Emission Trading Policy on Enterprise ESG Performance: Evidence from China. Sustainability, Accounting, Corporate Policies and Sustainability, 15(10), https://doi.org/10.3390/su15108279, tr. 3.
Tài liệu tham khảo:
- #1 What is ESG. [Online] Availabile at
- Nguyễn Hoàng Đức (2007). 9 nguyên tắc phát triển bền vững,
- Guochao W., Ahmad Y. D., Somsak C. et al (2023). Hotspots and trends of environmental, social and governance (ESG) research: A bibliometric analysis, Data Science and Management, 6(2), https://doi.org/10.1016/j.dsm.2023.03.001, 65-75.
- Nguyễn Như Hà, Nguyễn Tiến Đạt (2022). Quản lý tín chỉ các-bon và trao đổi hạn ngạch phát thải hướng tới thị trường các-bon Việt Nam,
- Lê Hồng Hạnh, Vũ Thu Hạnh (Chủ biên, 2016). Giáo trình Luật môi trường. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Linda-Eling L., Zoltán N., Guido G. (2020). Deconstructing ESG Ratings Performance: Risk and Return for E, S And G by Time Horizon, Sector and Weighting,
- Đỗ Phong, Ánh Tuyết (2023). Thúc đẩy phát triển thị trường carbon hướng mục tiêu phát triển bền vững, .
- PwC Việt Nam (2022). Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022: Từ tham vọng đến hành động,
- Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future,
- Phạm Văn Võ (Chủ biên, 2023). Tập bài giảng Luật môi trường. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
- Wan G., Dawod A.Y. (2022). ESG Rating and Northbound Capital Shareholding Preferences: Evidence from China, Sustainability, Insights on Venture Capital and Sustainable Development of Enterprise, 14, https://doi.org/10.3390/su14159152, 1-19.
- Yadu Z., Yiteng Z., Zuorei S. (2023). The Impact of Carbon Emission Trading Policy on Enterprise ESG Performance: Evidence from China. Sustainability, Accounting, Corporate Policies and Sustainability, 15(10), https://doi.org/10.3390/su15108279, 1-27.