Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm giảm tình trạng vốn ảo, tăng minh bạch hoạt động doanh nghiệp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi nhiều nội dung nhằm giảm tình trạng vốn ảo, tăng minh bạch hoạt động doanh nghiệp và tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý mà không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

ubtvqh.jpg

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: QH)

Tiếp tục phiên họp thứ 44, ngày 24/4, cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung được đề xuất tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, thống nhất sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về doanh nghiệp cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải sửa đổi. Trong đó, các quy định về việc gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp cần tiếp tục cải cách để phù hợp với bối cảnh phát triển mới.

Về gia nhập thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, Dự thảo Luật đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.

bo-truong-btc.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)

Về quản trị doanh nghiệp, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 21 nội dung, bao gồm 14 nội dung sửa đổi và 7 nội dung mới, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tình trạng vốn ảo, tăng minh bạch hoạt động doanh nghiệp và tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý mà không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Những thay đổi này tạo môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung, bao gồm 14 nội dung sửa đổi và 10 nội dung mới, liên quan đến lưu giữ, cung cấp, và chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Các quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, và cập nhật cho cơ quan có thẩm quyền. Các biện pháp xử lý vi phạm được thiết kế phù hợp, hiệu quả và có tính răn đe, đáp ứng yêu cầu của FATF để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám trước tháng 5/2025.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị báo cáo, làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi đề nghị quy định tại dự thảo Luật khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về “chủ sở hữu hưởng lợi” để đáp ứng yêu cầu tại khuyến nghị của FATF, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo các yêu cầu khác nhau tại Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng, chống rửa tiền về cùng đối tượng chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế “có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành” để báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí sự cần thiết ban hành luật, cho rằng hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, coi đây là động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Cần đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, thị trường; đồng thời thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.