Searefico đã công bố BCTC kiểm toán 2023 nhưng rắc rối vẫn chưa dừng lại.

CTCP SEAREFICO (HOSE: SRF) đã công bố BCTC kiểm toán năm 2023 sau thời gian chậm nộp. Tuy nhiên, rắc rối chưa dừng lại khi dữ liệu có chênh lệch với báo cáo tự lập, đồng thời xuất hiện ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Cụ thể, sau khi kiểm toán, một số khoản mục có sự thay đổi so với báo cáo tự lập, bao gồm doanh thu tăng hơn 1%, chi phí quản lý giảm 3%. Ngược lại khoản mục thay đổi theo hướng tiêu cực hơn là chi phí tài chính tăng 4%. Kết quả, SRF lãi ròng gần 3 tỷ đồng sau kiểm toán, tăng 66% so với kết quả tự lập.

Kết quả kinh doanh SRF chênh lệch trước và sau kiểm toán
Đvt: Tỷ đồng

Báo cáo vướng phải ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản công nợ phải thu, nợ phải trả và hàng tồn kho, chủ yếu do chưa thu thập được đầy đủ số liệu cần thiết.

Lý giải về ý kiến liên quan đến dư nợ phải thu và nợ phải trả, SRF cho biết đã ghi nhận theo đúng thực tế phát sinh, công nợ được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng, có đầy đủ hợp đồng kinh tế, hóa đơn tài chính và chứng từ thanh toán theo quy định. Thư xác nhận công nợ được phát hành đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu kiểm toán, đồng thời cũng đã thông tin đến khách hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ để đối chiếu xác nhận và gửi lại cho đơn vị kiểm toán. Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả trình bày trên BCTC phản ánh đúng quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhưng vì lý do khách quan Công ty không thể chủ động đảm bảo thư xác nhận công nợ gửi về theo đúng thời hạn.

Tại thời điểm 31/12/2023, SRF đang ghi nhận hơn 787 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, chiếm đến 45% tổng tài sản, phần lớn là phải thu khách hàng hơn 714 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có khoản phải thu dài hạn nhưng giá trị không đáng kể, khoảng 2.7 tỷ đồng.

Có 2 khoản phải thu khách hàng giá trị lớn là với CTCP Xây dựng Central gần 143 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gần 113 tỷ đồng.

Về phần phải trả, cuối năm 2023, phải trả của SRF chủ yếu nằm ở phải trả người bán ngắn hạn hơn 454 tỷ đồng, điển hình là các nghĩa vụ với System Logistics Asia hay CTCP Đăng Việt Construction.

Ngoài ra còn có phải trả ngắn hạn gần 135 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí trích trước tại các công trình như Masteri Central Point – B6, kho Hòa Khánh và Heritage West Lake.

Nguồn: BCTC kiểm toán 2023 của SRF

Riêng phần ý kiến kiểm toán đối với công nợ với CTCP Xây dựng số 1 (COFICO), SRF cho biết cho biết có phát sinh thỏa thuận hợp đồng ngày 24/10/2016 với COFICO – tổng thầu, liên quan đến việc liên doanh để thực hiện dự án khu dân cư Gateway Thảo Điền do CTCP Bất động sản Sơn Kim làm chủ đầu tư. Phía COFICO đang ghi nhận khoản phạt liên doanh hơn 22 tỷ đồng, bao gồm tiền phạt trễ tiến độ và các chi phí khác liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, giá trị khoản phạt COFICO đơn phương ghi nhận không đủ căn cứ và chưa được sự đồng thuận giữa các bên. Đến thời điểm hiện tại, SRF vẫn đang làm việc với COFICO để xác định rõ lợi ích và nghĩa vụ các bên liên doanh có liên quan đến hợp đồng thi công dự án.

Liên quan đến hàng tồn kho, theo SRF, đối với các công trình, các chi phí thực tế đã phát sinh liên quan đến các dự án đã được Công ty ghi nhận đầy đủ, việc nghiệm thu, quyết toán với chủ đầu tư để ghi nhận doanh thu, giá vốn là hoàn toàn phù hợp. Số liệu xây dựng dở dang cuối kỳ đang trình bày ở khoản mục hàng tồn kho là phần giá trị công việc đã thực hiện còn lại mà Công ty đang làm việc với chủ đầu tư để nghiệm thu hoặc quyết toán.

Trên BCTC, SRF ghi nhận giá trị hàng tồn kho hơn 246 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, có hơn 192 tỷ đồng liên quan đến các dự án dở dang, nổi bật với Le Meridien Cam Ranh, Hải Đăng City giai đoạn 2 (THE ZEI), Melia Cam Ranh Bay hay dự án mới phát sinh là công trình kho lạnh ARC Bình Dương.

Nguồn: BCTC kiểm toán 2023 của SRF

Trước đó, việc chậm nộp BCTC kiểm toán 2023 đã dẫn đến cổ phiếu SRF bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch từ ngày 27/05. 

Cổ phiếu SRF lên sàn HOSE vào cuối năm 2009, từng có thời điểm lên đỉnh 21,000 đồng/cp lập cuối tháng 3/2022, trước khi liên tục lao dốc. Kết phiên 05/06, mỗi cổ phiếu SRF có giá 10,000 đồng/cp, đúng bằng mệnh giá.

Nguồn: SRF

Tình hình kinh doanh quý 1/2024 cũng không thật sự khả quan. Công ty ghi nhận doanh thu thuần 271 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ, nhưng sau cùng chỉ lãi ròng vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng, giảm đến 65%, do phát sinh khoản điều chỉnh thuế TNDN và GTGT do quyết toán thuế các năm trước.

* Muốn tìm thách thức mới, Phó Tổng SRF vừa được bổ nhiệm hơn 6 tháng xin từ chức

Lượt xem: 4
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật