Doanh nghiệp nông sản thực phẩm không đợi ‘nước đến chân mới nhảy’

Mặc dù Mỹ tạm hoãn thời gian áp dụng mức thuế quan mới trong 90 ngày nhưng nhóm ngành nông sản thực phẩm Việt sẽ vẫn chịu tác động về dài hạn một cách trực tiếp xen lẫn gián tiếp, nhất là trong bối cảnh đối mặt chuyển biến của chiến tranh thương mại, rồi những yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe. Điều này rất cần các doanh nghiệp có năng lực thích ứng tốt, không đợi “nước đến chân mới nhảy”.

Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây nha đam và dừa, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan của Mỹ với Việt Nam và các quốc gia khác sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hoãn áp thuế 90 ngày, để từ đó đưa ra phương án hợp lý, điều chỉnh cho phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Tâm thế chủ động trước biến động

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của GC Food tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 10/4, ông Thứ cho rằng tuy không ảnh hưởng trực tiếp nhiều từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhưng các mặt hàng mà công ty đang sản xuất như nước nha đam, thạch dừa vẫn có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp khi nhiều khách hàng mua sản phẩm của công ty và xuất sang các thị trường Mỹ, EU…

-4613-1744285040.png

Các DN nông sản thực phẩm nên có năng lực thích ứng tốt, không đợi “nước đến chân mới nhảy” trong bối cảnh đối mặt chuyển biến của chiến tranh thương mại.

Theo vị chủ tịch của GC Food, các khách hàng mua sản phẩm của công ty để XK vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng với chính sách thuế quan mới, nên công ty đang đang cố gắng làm việc với các đối tác trong 90 ngày hoãn thuế sắp tới. 

Và mặc dù thị trường Mỹ chưa chiếm tỷ trọng đáng kể (chiếm 1 - 2%) trong tổng doanh thu của GC Food, nhưng ông Thứ lưu ý không có cách nào khác là phải luôn quan sát và cập nhật để có giải pháp đối ứng kịp thời, không thể cố định mà cần phải linh hoạt. Bản thân đơn vị thành viên của công ty (như Vietfarm) cũng đang xây dựng tiêu chuẩn để đáp ứng điều kiện XK vào Mỹ và EU.

Có thể nói tâm thế như vậy là rất cần thiết với các DN trong nhóm ngành nông sản thực phẩm dù cho bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ. Nhất là việc đối mặt với chuyển biến của chiến tranh thương mại trên toàn cầu đang cần họ có sự chủ động thích ứng tốt nhất thay vì đợi rơi vào tình cảnh “nước đến chân mới nhảy”.

Qua trao đổi với VnBusiness, một số DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm cho biết khi thị trường quốc tế biến động mạnh từ chính sách thuế quan mới của Mỹ thì bản thân DN của họ đang chủ động lên những phương án ứng phó mang tính linh hoạt hơn. Và thay vì làm kế hoạch kinh doanh theo tháng, theo năm thì phía DN chuyển sang theo tuần, thậm chí là hàng ngày.

Và theo nhận định mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm hoãn thời gian áp dụng mức thuế quan mới với gần 60 đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, đó là động thái hoãn thời điểm mức thuế mới chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của chiến tranh thương mại. 

Như với mảng thủy sản, theo MBS, sẽ vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm lượng đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút. Đơn cử như sản phẩm tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh cao với tôm tại Ecuador và Ấn Độ, bên cạnh đó có cả Indonesia. 

Hoặc như với cá tra, theo chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), hiện các DN cá tra đều đang lo lắng về mức thuế quan mới. Giá cá tra XK sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên gấp rưỡi, tức là khoảng 5,1 USD/kg, tăng 150% - rất khó để cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác.

Cần có năng lực thích ứng tốt

Chính vì vậy, phía Vasep cho rằng các DN nên phối hợp chặt chẽ, vận dụng sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh thông tin truyền thông khác để nắm bắt những thay đổi chính sách, quy định của Mỹ. Mặt khác, DN xuất khẩu cá tra nên giữ vững tâm lý, tập trung vào các thỏa thuận với đối tác, bởi chi phí sản xuất, tiền lương, lợi nhuận đều đã được tính toán kỹ lưỡng trong đơn hàng.

Ngoài ra, dù còn đến 90 ngày trước khi Mỹ áp dụng mức thuế quan mới, các DN xuất khẩu cá tra không thể thụ động mà cần cụ thể hóa hướng đi đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường XK mới ngoài Mỹ, trong khi vẫn đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi có thuế cao.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tại hội thảo bàn về tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và XK đối với nhóm ngành thực phẩm được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 10/4, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (ITPC), nhấn mạnh trong bối cảnh tác động thuế quan từ Mỹ, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nắm bắt quy định, tiêu chuẩn XK, đặc biệt là quy định về bền vững, sẽ giúp DN thực phẩm giảm thiểu rủi ro và có lợi thế XK. 

Hơn thế nữa, bà Quyên chỉ rõ việc chuyển đổi xanh là bước chuyển đổi chiến lược cho các DN thực phẩm Việt nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và mang lại lợi ích lâu dài.

Còn đứng ở góc độ của một nhà bán lẻ quốc tế, trước biến động thuế quan như hiện nay, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, nói rằng nếu các DN thực phẩm Việt muốn XK đi các nước thì bản thân sản phẩm của họ phải phát triển mạnh ở trong nước, đưa vào được các hệ thống siêu thị và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại.

Tiếp đó, theo ông Paul Le, khi muốn XK đi bất kỳ thị trường nào, DN thực phẩm phải có đầy đủ thông tin của thị trường đó, đọc các tài liệu và nắm vững các quy định và sự khác biệt giữa các thị trường. Nhất là cần có năng lực thích ứng với từng thị trường. Đó là cách các DN mạnh đang làm để XK hiệu quả.

Trong khi đó, ông Alan Nguyễn, một chuyên gia trong ngành thực phẩm, nhấn mạnh việc nắm vững các quy định phức tạp và khác biệt này là điều cần thiết cho DN thực phẩm Việt muốn XK sản phẩm sang các thị trường như Mỹ hay EU trong thời gian tới. Chẳng hạn như cả EU và Mỹ đều có các quy định và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt đối với vật liệu tiếp xúc thực phẩm (FCM).

Nói chung, để không rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy” đang cần tâm thế chủ động thích nghi hơn nữa ở các DN thuộc nhóm ngành nông sản thực phẩm. Nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng được gói gọn trong bốn từ kép “biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ”, điều chờ đợi là các DN Việt phải được nâng tầm để vượt qua cơn giông dữ này.

                                                                                 Thế Vinh

Lượt xem: 1
Tác giả: Tâm thế chủ động trước biến động