Khoản lỗ khác 64 tỷ kéo lùi lợi nhuận của Dược Hậu Giang
Dù có lợi nhuận thuần tăng trưởng, khoản lỗ khác tăng vọt so với cùng kỳ khiến CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) báo lợi nhuận đi lùi trong quý 4/2024.
Các chỉ tiêu kinh doanh của DHG trong quý 4 và cả năm 2024 Nguồn: VietstockFinance |
Cụ thể, quý 4, ông lớn ngành dược đạt gần 1.5 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn giảm tới 10%, giúp Doanh nghiệp tăng nhẹ lãi gộp lên 666 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ lùi mạnh 32%, trong khi chi phí tài chính tăng 16%. Dù vậy, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm giúp DHG lãi thuần 331 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Tuy nhiên, khoản lỗ khác tới 64 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 6.5 tỷ đồng) đã khiến tình hình đảo chiều. Theo thuyết minh, đây là khoản chi phí khấu hao, nhiều khả năng đến từ dự án nhà máy mới Betalactam. Khoản này kéo lợi nhuận sau thuế của DHG về 208 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Thực tế, tình hình hoạt động năm qua của ông lớn ngành dược cũng đi lùi, chủ yếu do mức nền quá cao tại cùng kỳ (DHG đạt kỷ lục lợi nhuận năm 2023). Lũy kế 2024, Doanh nghiệp đạt gần 4.9 ngàn tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với năm trước; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 904 tỷ và 779 tỷ đồng, giảm tương ứng 22% và 26%. Doanh nghiệp cũng không đạt kế hoạch doanh thu (94%) và lãi trước thuế (72%) được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Nguồn: VietstockFinance |
DHG giải trình lợi nhuận sụt giảm do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, lợi nhuận tài chính giảm do lãi suất tiền gửi đi xuống. Ngoài ra, Doanh nghiệp trích lập thêm gần 21 tỷ đồng dự phòng nghĩa vụ thuế toàn cầu - áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Tại cuối năm 2024, tổng tài sản của DHG đạt gần 5.96 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó hơn 4.6 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ tăng mạnh gần 21%, lên hơn 2.8 ngàn tỷ đồng. Tồn kho giảm 27%, còn hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh còn gần 49 tỷ đồng (đầu năm gần 554 tỷ đồng), phần lớn do giảm chi phí đầu tư mở rộng dự án nhà máy Dược phẩm và nhà máy in bao bì DHG.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm hầu hết nợ phải trả, ghi nhận gần 1.8 ngàn tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, 650 tỷ đồng là nợ vay, hơn đầu năm 14%, đều là nợ vay ngân hàng. Với hơn 2.8 ngàn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, không có nghi ngờ gì về khả năng thanh toán nợ tới hạn của Doanh nghiệp.