Doanh nghiệp Việt vừa mất đơn hàng, vừa ‘đơn độc’ chuyển đổi xanh

Trong tình trạng thiếu hoặc mất đơn hàng xuất khẩu như hiện nay, một phần nguyên nhân chủ quan được cho là vì nhiều doanh nghiệp (DN) Việt chưa đạt chuẩn về sản xuất xanh. Trong khi đó, để các DN sớm đầu tư cho chuyển đổi xanh lại là điều không thể khi mà nguồn lực tài chính hạn chế và có vẻ như họ đang “đơn độc” vì thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết.    

Cuối tuần này tại Tp.HCM sẽ diễn ra Diễn đàn về đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu (XK) xanh. Sự kiện được đặt trong bối cảnh tình trạng thiếu đơn hàng trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục là mối lo lớn nhất của các DN, nhất là trong những lĩnh vực: dệt may, da giày, chế biến chế tạo, xây dựng, vật liệu, điện - điện tử…

Làm rõ nguyên nhân chủ quan

Đây chính là dịp để các DN ở Tp.HCM gặp gỡ các cơ quan quản lý trao đổi, tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, giúp cho DN nâng cao hiểu biết về tính “xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế, từ đó tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) một cách hiệu quả.

-5459-1684918917.png

Chuyển đổi xanh là một thách thức lớn với các DN vừa và nhỏ nếu thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết.

Cần lưu ý, trong tình trạng thiếu đơn hàng XK như hiện nay, ngoài nguyên nhân do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, thì theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM, nguyên nhân chủ quan còn nằm ở vấn đề là nhiều DN chưa đạt chuẩn về sản xuất xanh.

Và chính nguyên nhân chủ quan như vậy đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đơn hàng của nhiều DN, không ít DN ở Tp.HCM phải giảm quy mô sản xuất đến hơn 50%. 

Theo ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng đánh giá và chứng nhận môi trường của Công ty Intertek Việt Nam, nếu các DN Việt không chuyển đổi xanh thì sẽ tiếp tục mất đơn hàng. Từ nay đến năm 2025, một khi Việt Nam không thay đổi về sản xuất xanh, các đơn hàng trong ngành dệt may, da giày… sẽ đổ về các quốc gia khác.

Ông Viện cho biết, hiện nay, các nhãn hàng đang bổ sung thêm các yêu cầu mới trong hệ thống kiểm soát, trong đó sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, và phải hướng đến phải triển bền vững. Chẳng hạn như dòng sản phẩm về dệt may hữu cơ, dệt may tái chế…

Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch, báo cáo tài chính, năng lực DN, xây dựng xanh, bảo vệ môi trường... là những tiêu chí mà đối tác sẽ lựa chọn đơn hàng được sản xuất ở đâu: Việt Nam, Ấn Độ hay Bangladesh…?

Đứng ở góc nhìn của phía hiệp hội trong ngành nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định nhiều thị trường XK đang yêu cầu các DN phải có đầy đủ những chứng chỉ xanh. 

“Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải làm gì, phải thay đổi như thế nào để có thể thích ứng được. Nếu có chứng chỉ xanh thì sản phẩm của Việt Nam sẽ có giá trị hơn và người tiêu dùng quốc tế sẽ đón nhận tốt hơn”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, có thể thấy, với hơn 98% DN của Việt Nam là DN vừa và nhỏ, đa phần có nguồn lực tài chính hạn hẹp thì việc đầu tư để chuyển đổi xanh là một thách thức lớn.

Chờ hỗ trợ ở “bờ vực”

Ngay như ở ngành dệt may, thời gian gần đây đã có rất nhiều thông tin về việc do chưa chuyển đổi xanh mà nhiều DN dệt may phải chịu cảnh “đói” đơn hàng, thậm chí đứng bên “bờ vực” phá sản.

Trong khi đó, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhu cầu vốn với các DN đang rất lớn, để chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thị trường EU hay Mỹ,…

Ông Cẩm nhấn mạnh, nên có chính sách hỗ trợ các DN dệt may chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ví dụ như trường hợp của Bangladesh gần đây đã giảm thuế thu nhập 2% cho các công ty đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi xanh cho ngành dệt may, Giáo sư Frances Joseph (Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand) có lời khuyên cho các DN ở Việt Nam là cần chú trọng đến những vật liệu mới (như vật liệu sinh học) có tính “xanh” hơn.

Theo Giáo sư Joseph, với nền tảng sản xuất thời trang ngày càng phát triển, việc phát triển hàng dệt may có nguồn gốc sinh học bền vững được sản xuất trong nước sẽ mang lại cho ngành công nghiệp Việt Nam một điểm khác biệt. Đặc biệt là giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và có sức hấp dẫn cao đối với các công ty thời trang quốc tế đang hướng đến phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm những vật liệu mới có tính “xanh” (nhất là việc tìm ra một vật liệu sinh học thay thế cho những vật liệu quen thuộc hiện có) thì không phải DN dệt may nào cũng làm được nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ các cơ quan có liên quan.

Và dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất vật liệu thay thế có nguồn gốc từ sinh học bền vững và sẵn có tại địa phương, thế nhưng để DN tiếp cận và thực hiện ý tưởng mới về vật liệu sinh học cũng không phải một sớm một chiều.

Chính vì vậy, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng việc chuyển đổi xanh của DN rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhất là khi các DN đang rất khó khăn, nếu phải đeo đuổi thêm một tiêu chuẩn xanh nữa mà không có sự hỗ trợ sẽ rất khó cho DN.

Theo bà Hạnh, không tính những DN lớn, có tầm nhìn xa, đa phần trong nước vẫn là DN vừa và nhỏ, việc buộc họ theo đuổi mục tiêu về chuyển xanh không hề dễ dàng. Cho nên, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về vật chất, về truyền thông quảng bá, về tiêu chuẩn xanh để bản thân DN có sự chuyển biến.

"Nhà nước nên có cơ chế mở rộng, có một hướng cho DN chuyển đổi xanh tốt hơn để không phải rơi vào cảnh mất đơn hàng. Trong khi đó, vấn đề này chúng ta gần như chưa có, nhất là ở các hiệp hội DN vẫn còn thiếu các chương trình phát triển xanh, bền vững", ông Nguyễn Văn Viện lưu ý.

Về phía các DN, ông Viện khuyến nghị cần xác định rõ về chiến lược chuyển đổi xanh trong trung hạn, dài hạn, ưu tiên giải quyết trước vấn đề gì, tập trung dòng hàng ra sao, đầu tư như nào… để không phải đầu tư nhiều, chi phí lớn trong khi nguồn lực tài chính đang hạn hẹp.

                                                                                          Thế Vinh

Lượt xem: 5
Tác giả: Làm
Tin liên quan