Doanh nghiệp Việt nên làm gì để tránh rủi ro trước ‘luật chơi’ mới của EU?

Hàng loạt quy định đáng lưu ý của EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDD)... sẽ tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường chủ lực này trong thời gian tới. Vậy, các doanh nghiệp Việt cần làm gì để tránh khỏi rủi ro trước “luật chơi” mới này khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp bước sang năm thực thi thứ tư?

Những mặt hàng nông sản Việt mặc dù đang thu hút các nhà thu mua của EU nhưng rất cần đáp ứng “luật chơi” mới.

Những mặt hàng nông sản Việt mặc dù đang thu hút các nhà thu mua của EU nhưng rất cần đáp ứng “luật chơi” mới.

Chính sách CBAM (Carbon border adjustment mechanism) liên quan đến thuế carbon cho hàng hoá nhập khẩu vào EU đã bắt đầu hiệu lực từ tháng 10/2023. Điều này khiến cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam băn khoăn là nên có những hành động cần thiết gì, định hướng gì để giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình xuất khẩu (XK) vào EU khi mà thị trường đang có nhiều bất ổn như hiện nay.

Mối lo từ Cơ chế CBAM

Trước mối lo như vậy, chia sẻ mới đây với cộng đồng DN Việt, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam), đã nói rõ rằng Việt Nam cung cấp hàng hóa cho EU thì cần bắt buộc các DN chứng minh quy trình sản xuất tuân thủ EGS (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) thì EU mới làm việc tiếp, nếu không sẽ bị ngưng. 

“Trong tương lai, để các DN Việt có mô hình vững mạnh nhằm có thể làm việc với bất cứ khách hàng nào của EU về môi trường và trách nhiệm xã hội thì rất cần vai trò của các hiệp hội ngành nghề ở Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của EU, trong đó có CBAM cho các DN xuất khẩu. Các DN phải chủ động ứng phó trước, xem đây là điều cần phải làm chứ không đơn thuần là gánh nặng”, vị Phó Chủ tịch Eurocham nói.

Cũng theo ông Bouflet, trước mắt CBAM của EU sẽ tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm. Tuy nhiên, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn. Các ngành hàng này tại Việt Nam hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong việc XK sang EU, cho nên chưa chịu ảnh hưởng lớn về cơ chế CBAM.

Thế nhưng về lâu dài, vị Phó Chủ tịch Eurocham lưu ý phạm vi của CBAM có thể được mở rộng để bao gồm phát thải gián tiếp, các lĩnh vực khác và các sản phẩm sử dụng nhiều carbon, như nông sản và các sản phẩm XK chính sang EU (như dệt may, thủy sản…).

Chính vì vậy, để phát triển thị trường carbon, ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi tín dụng, bù đắp; xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các ngành, DN và xác định các ngành, dự án tiềm năng. Hơn nữa, cũng cần nâng cao nhận thức và đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để chuẩn bị tốt cho thị trường tín chỉ carbon.

Ở một diễn biến khác, dự kiến vào 27/11 sắp tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU 2023 tại Tp.HCM với chủ đề trọng tâm là “Phát triển bền vững – Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai”. 

Thông qua diễn đàn này cũng nhằm giúp các DN Việt tập trung định vị chuỗi cung ứng với các đối tác EU, đặc biệt là đi sâu vào khai thác khía cạnh “bền vững”, đánh giá tác động từ những quy định chính sách mới của EU. Nhất là hàng loạt các quy định đáng lưu ý như Cơ chế CBAM, Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDD)...được cho là sẽ tác động đáng kể đến hoạt động XK của Việt Nam vào EU trong thời gian tới.

Nhanh chóng rà soát lại chuỗi cung ứng

Đó là chưa kể dù Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) dù sắp bước sang năm thực thi thứ tư nhưng việc tiếp cận và mở rộng thị phần XK của DN Việt tại thị trường EU vẫn đang đối diện với không ít thách thức trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường các tiêu chuẩn về khí hậu/môi trường, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. 

Đơn cử như Việt Nam hiện đang có ba mặt hàng quan trọng XK sang EU hiện đang nằm trong phạm vi kiểm soát của quy định EUDR, bao gồm cà phê, gỗ và cao su. Hàng năm, kim ngạch nhập khẩu ba mặt hàng này từ Việt Nam vào EU đạt gần 3 tỷ USD. Cho nên việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với DN xuất khẩu của Việt Nam. 

TS. Nguyễn Thái Chuyên (Đại học RMIT) cho rằng các nhà khai thác và thương nhân phải chứng minh rằng sản phẩm hợp pháp và không vi phạm quy định về phá rừng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hệ thống xuất xứ từ nông hộ và từng khu vực trồng trọt để có thể chứng minh với thị trường EU.

Theo giới chuyên gia, đối với cả ba nhóm mặt hàng cà phê, gỗ, cao su của Việt Nam đang xuất vào EU nằm trong sự kiểm soát của EUDR, thì các nông hộ đóng vai trò chủ đạo tại khâu đầu của chuỗi cung. Chính vì thế, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi EUDR chính thức được thực hiện, việc rà soát các khía cạnh rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan tới nông hộ là rất cấp thiết. Thực hiện điều này đòi hỏi sự tham gia và nguồn lực cần thiết từ các bên liên quan

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu ba nhóm mặt hàng nêu trên cũng cần nhanh chóng rà soát lại chuỗi cung ứng của mình và làm việc với chính quyền địa phương và các thương lái cung cấp hàng cho mình để đánh giá khả năng đáp ứng quy định EUDR của chuỗi cung hiện tại của mình với ưu tiên trọng tâm vào nguồn đất đai của các nông hộ sản xuất.

Trước nhiều thách thức lớn khi XK vào EU như nêu trên, Ts. Nguyễn Thái Chuyên có lời khuyên các DN xuất khẩu cần học hỏi, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao mà EU yêu cầu. Họ cũng nên đa dạng hóa nguồn tiêu thụ và giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường XK duy nhất. 

Ngoài ra, thay vì chấp nhận với rủi ro, để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA trong thời gian tới, ông Chuyên nhấn mạnh các DN Việt cần tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ nhanh chóng, xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu từ thị trường 500 triệu dân của EU. 

“Các DN Việt nên tăng cường hợp tác và liên kết với nhau, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội ngành nghề, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, và mở rộng mạng lưới phân phối, để từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường EU”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.                                                                                                

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn
Lượt xem: 7
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật